Thứ sáu,  05/07/2024

Kiểm soát chặt xe kinh doanh vận tải, kéo giảm tai nạn giao thông

Theo thống kê của Cục CSGT, thời điểm thực hiện tổng kiểm soát xe kinh doanh vận tải, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến loại xe này giảm mạnh cả 3 tiêu chí so với thời gian liền kề trước đó.

Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT toàn quốc thực hiện tổng kiểm soát hơn 252 nghìn xe vận tải hành khách, xử lý gần 40 nghìn vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), phạt tiền hơn 43 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe (GPLX), bằng, chứng chỉ chuyên môn các loại gần 3 nghìn trường hợp; tạm giữ 260 phương tiện.

1512giapbat.jpg -0
Bộ GTVT đang đề nghị tăng chế tài xử phạt để thiết lập lại TTATGT. Ảnh CTV

Trong số này, vi phạm nồng độ cồn là 75 trường hợp, vi phạm về ma tuý 12 trường hợp, vi phạm về tốc độ là 2.568 trường hợp; không có GPLX, có GPLX nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển 207 trường hợp; không có giấy chứng nhận, tem kiểm định, xe quá hạn kiểm định 70 trường hợp; xe hết niên hạn 2 trường hợp; tự ý cải tạo phương tiện 6 trường hợp; chở quá số người quy định 1.173 trường hợp… Đối với xe ôtô vận tải hàng hóa bằng container, CSGT toàn quốc thực hiện tổng kiểm soát hơn 121 nghìn xe, xử lý gần 14 nghìn vi phạm, phạt tiền hơn 23 tỷ đồng; tước GPLX, bằng, chứng chỉ chuyên môn các loại 1.325 trường hợp; tạm giữ 203 phương tiện.

Lãnh đạo Cục CSGT cho hay, nhờ triển khai quyết liệt tổng kiểm soát, tai nạn liên quan đến xe ôtô vận tải hành khách và xe container giảm cả 3 tiêu chí so với thời gian trước liền kề, TNGT liên quan đến xe ôtô vận tải hành khách đã giảm hơn 31% số vụ, giảm hơn 42% số người chết và giảm hơn 35% số người bị thương. Tới đây, ngành Công an sẽ kết nối chia sẻ các dữ liệu dùng chung với ngành GTVT để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT, quản lý lái xe, lái tàu, quản lý phương tiện, xử lý vi phạm TTATGT, hạ tầng giao thông, thiết bị giám sát hành trình; khắc phục những bất cập trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và phối hợp xử lý vi phạm đối với loại xe này.

Thông tin về hoạt động vận tải, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, 3 quý đầu năm 2023, hoạt động vận tải tiếp tục khởi sắc, sản lượng vận chuyển hành khách ghi nhận tín hiệu tích cực trên cả 5 lĩnh vực. Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp lễ, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại.

Công tác quản lý giá cước vận tải, công khai niêm yết giá cước, chuẩn bị phương tiện phục vụ,… được cơ quan quản lý triển khai kiểm tra đôn đốc; các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm nhiều so với các năm trước đây. Cụ thể, lũy kế 9 tháng năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 1.686 triệu tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Tiếp đến là vận tải đường bộ (tăng gần 13%), vận tải đường thuỷ nội địa (tăng 12%), vận tải hàng hoá hàng không (tăng hơn 7%).

Mặc dù vận tải đường bộ tăng, song ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, trong công tác quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, hiện còn một số tồn tại, một số quy định hiện hành đang bị “tụt hậu” so với quy định trước đây, tạo lỗ hổng trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, giảm tính răn đe.

Đơn cử như, theo Nghị định 86 quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, trước đây quy định thu hồi phù hiệu xe vi phạm giao thông từ 1-2 tháng, sau đó mới xem xét cấp lại phù hiệu mới. Khi sửa đổi và ban hành Nghị định 10, nội dung này không còn. Doanh nghiệp hôm nay bị thu hồi, ngày mai có thể xin cấp lại, dẫn đến quản lý chưa hiệu quả.

Trước đây, doanh nghiệp có 20% số xe bị thu hồi phù hiệu sẽ bị xử lý cả giấy phép kinh doanh nhưng quy định hiện hành cũng không còn. Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất và Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 10, trong đó, bổ sung các chế tài để tăng tính răn đe.

Về vấn đề này, phát biểu kết luận tại Hội nghị an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu nhanh chóng sửa đổi quy định để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải một cách hiệu quả. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần phải đề xuất chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, từ chuyện thu hồi giấy phép cho đến cấm kinh doanh. Phải có chế tài mạnh mẽ, xử lý nghiêm các nhà xe tái vi phạm. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý xe vi phạm, ngăn chặn TNGT.

Nguồn:https://cand.com.vn/Giao-thong/kiem-soat-chat-xe-kinh-doanh-van-tai-keo-giam-tai-nan-giao-thong-i710600/

Theo cand.com.vn