Thứ sáu,  20/09/2024

Việt Nam và Pháp tăng cường hợp tác y tế

Trong khuôn khổ chuyến thăm Cộng hòa Pháp, ngày 15-6 tại Paris, đoàn đại biểu Bộ Y tế do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã tham dự hội thảo 25 năm hợp tác y tế Việt Nam – Pháp do Liên hội Y tế Pháp – Việt phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức nhằm đánh giá về hiệu quả sự hợp tác về y tế giữa hai nước từ năm 1993 đến nay và bàn biện pháp thúc đẩy hợp tác trong giai đoạn tiếp theo.

Tham dự Hội thảo có PGS, TS, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp; Nghị sĩ, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt, bà Stéphanie Do, cùng đại diện lãnh đạo Bộ Y tế Pháp và đông đảo các giáo sư, bác sĩ và các nhà khoa học Pháp và Việt Nam tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những thành quả hợp tác về y tế giữa hai nước, coi đây là cuội hội thảo quan trọng, diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 25 năm ký Hiệp định về hợp tác y tế. Trên thực tế, hợp tác y tế giữa Việt Nam và Pháp đã có lịch sử cách đây hơn một thế kỷ. Ngay từ đầu thế kỷ 20 (năm 1902), GS Alexandre Yersin đã thành lập và làm hiệu trưởng Trường Đại học Y đầu tiên ở Việt Nam và cũng là trường Đại học Y đầu tiên ở Đông Dương, đặt nền móng cho giáo dục đại học y tế ở Việt Nam.

Sau khi hai nước ký hiệp định y tế liên chính phủ ngày 10-2-1993, đã có hơn 20 thỏa thuận hợp tác giữa các trường đại học các bệnh viện của Pháp và Việt Nam được ký kết về các lĩnh vực đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, phòng chống HIV/AIDS, bệnh lao, sốt rét, viêm gan virus… Đến nay Pháp đã đào tạo khoảng 3.000 bác sĩ Việt Nam theo Chương trình FFI (thực hành nội trú) và Chương trình DFMS/DFMSA (đào tạo cấp bằng bác sĩ chuyên khoa và chuyên khoa sâu) đến nay đã trở thành những bác sĩ, giáo sư y khoa đầu ngành của Việt Nam.

Các đại biểu dự hội thảo đánh giá cao chương trình đào tạo sau đại học do các giáo sư, bác sĩ Pháp và Việt Nam giảng dạy tại các trường đại học y, dược tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng, cho phép cấp bằng liên đại học (DIU) trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác giữa các trường đại học y của Pháp và Việt Nam. Đã có 1.500 bác sĩ Việt Nam tham gia vào các khóa đào tạo này (hơn 80 giảng viên Pháp được huy động). Mục tiêu và nội dung giảng dạy do các điều phối viên Việt Nam và Pháp đưa ra, đáp ứng với các thách thức về sức khỏe cộng đồng. Trong 15 năm qua, chương trình học bổng chất lượng cao của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã cấp học bổng cho khoảng 50 sinh viên trong lĩnh vực khoa học y dược (thạc sĩ và tiến sĩ).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài những kết quả đạt được, hai bên cần tiếp tục các chương trình đào tạo bác sĩ nội trú, các cán bộ y tế chuyên sâu về các ngành lâm sàng và cận lâm sàng, như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, ngoại khoa, cấp cứu hồi sức và tăng cường đào tạo chuyên ngành y dược cơ sở như nghiên cứu về thuốc, công nghệ sinh học, miễn dịch, di truyền và tiếp tục đào tạo bậc tiến sĩ và thạc sĩ tại Pháp.

Về hợp tác y tế giữa Việt Nam và Pháp trong thời sắp tới, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam và Pháp đã có lịch sử hợp tác về y học từ rất lâu đời và đặc biệt phát triển mạnh nhất là giai đoạn 25 năm kể từ khi ký Hiệp định hợp tác giữa Pháp và Việt Nam về y tế.

Trong giai đoạn tiếp theo, hai bên đã có định hướng hợp tác thể hiện trong Ý định thư hợp tác y tế được ký giữa Bộ trưởng Y tế của Pháp và Bộ trưởng y tế Việt Nam và tiến tới sẽ ký thỏa thuận hợp tác vào cuối năm nay. Trong phương hướng ưu tiên hợp tác trong thời gian tới giữa Việt Nam và Pháp về lĩnh vực y tế, thứ nhất, ưu tiên số một là đào tạo cán bộ y tế, đặc biệt là các bác sĩ thực hành ở các bệnh viện về chuyên khoa ở các bệnh viện ở Pháp để tăng cường thực hiện các kỹ thuật, chuyên môn cao tại Việt Nam cũng như đào tạo về lĩnh vực nghiên cứu y học cơ bản, nghiên cứu về các bệnh lây nhiễm tại các cơ sở, nghiên cứu tại trường đại học và bệnh viện của Pháp. Thứ hai, hợp tác về lĩnh vực nghiên cứu khoa học về các bệnh nhiễm trùng, dịch bệnh mới nổi như Ebola, các bệnh nhiễm trùng lưu hành trong nước ta như bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết. Tiếp tục chương trình ký kết giữa Việt Nam và Pháp về HIV, viêm gan virus, bệnh lao cũng như các nghiên cứu về thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu lâm sàng, dược, nghiên cứu vaccine.

Thứ ba là hợp tác trong các lĩnh vực về đầu tư về dược, vaccine. Pháp đang đầu tư vào các nhà máy sản xuất trong nước, kể cả các thuốc biệt dược để cung cấp cho thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, hai bên còn hợp tác trao đổi những kinh nghiệm về quản lý nền y tế trong giai đoạn mới, thực hiện cơ chế thị trường như giao tự chủ, các phương thức chi trả, quản lý quỹ bảo hiểm y tế để tiến tới bao phủ sức khỏe đến toàn dân.

Thứ tư, Việt Nam muốn hợp tác với Pháp tăng cường y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe nhân dân. Thay vì nhấn mạnh về công tác điều trị trong bệnh viện, việc điều trị phải có hiệu quả và giảm bớt chi phí, nhưng cần phải tăng kinh phí hơn nữa, đầu tư hơn nữa về mọi mặt cho y tế cơ sở, cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, về vấn đề này chính sách cải tổ của Pháp và Việt Nam đều giống nhau và cùng muốn hợp tác và trao đổi kinh nghiệm và học tập lẫn nhau.

Theo Nhandan