Thứ sáu,  20/09/2024

Y tế cơ sở Lạng Sơn: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động

(LSO) – Thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới”, đến năm 2020, y tế cơ sở Lạng Sơn đã có những  bước phát triển quan trọng, hiệu quả hoạt động ngày một nâng cao.

   Đổi mới quản lý và phương thức đầu tư

Trong 5 năm qua, song song với hoàn thiện công tác xây dựng cơ bản, sửa chữa, nâng cấp các bệnh viện cấp tỉnh, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, ngành y tế đã thực hiện xong công tác mở rộng, nâng cấp bệnh viện cấp huyện để trung tâm y tế huyện tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển các dịch vụ kỹ thuật y tế, bao gồm cả lĩnh vực xét nghiệm cận lâm sàng; thực hiện đầy đủ các kỹ thuật điều trị đa khoa và chăm sóc cơ bản.  Cùng với đầu tư là đồng bộ hóa toàn hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở theo hướng công bằng và hiệu quả.

Bằng sự liên kết và chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn đã thực hiện hàng chục ngàn ca lọc máu, chạy thận an toàn

Theo đó, thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy đảm bảo chất lượng, chuyên nghiệp như sáp nhập trung tâm dân số/KHHGĐ vào trung tâm y tế; giải thể 23/25 phòng khám đa khoa khu vực hoạt động kém hiệu quả.  Trung tâm y tế huyện quản lý toàn diện y tế xã, đầu tư mạnh cho y tế xã để nó có khả năng thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của mình như chăm sóc sức khỏe ban đầu; thực hiện quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng  người dân trên địa bàn; trong đó tập trung vào việc theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc, giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm; quản lý các bệnh mạn tính; khám bệnh, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ và kết nối chuyển người bệnh lên tuyến trên và từng bước thực hiện mô hình bác sĩ gia đình.

Trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nhiều giải pháp đã được thực hiện. Đặc biệt là triển khai đề án tự chủ và công tác xã hội hóa. Bước vào đầu năm 2020, toàn ngành đã có 14 bệnh viện cấp tỉnh và cấp huyện tự chủ từ 80% đến 120%; riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện tự chủ 120% kinh phí chi thường xuyên. Bằng công tác liên doanh liên kết, đã có 8 đơn vị gồm 7 trung tâm y tế huyện và Bệnh viện Đa khoa tỉnh lắp đặt 71 máy chạy thận nhân tạo. Nhiều trung tâm lắp đặt thêm các loại máy  hiện đại như: X quang, máy xét nghiệm tự động… để phục vụ nhân dân. Đối với y tế xã, kết hợp tốt các nguồn lực đầu tư, kết nối tốt các chương trình, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình quân dân y kết hợp, chương trình 135… và các chương trình khác để y tế xã đạt được tiêu chí y tế xã giai đoạn 2011 – 2020. Quan tâm thiết thực đến đội ngũ y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, bà đỡ thôn bản… để đội ngũ này thực sự tiên phong trong công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, công tác dân số/KHHGĐ, bảo vệ bà mẹ, trẻ em.

   Nâng cao hiệu quả hoạt động

Bằng sự kiên trì và chắt chiu, kết nối từng nguồn lực cho đầu tư y tế, đến nay, đã có 144 xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí về y tế xã giai đoạn 2010 – 2020; toàn tỉnh đã đạt 10,8 bác sĩ và 30,3 giường bệnh/1 vạn dân. Trên cơ sở được đầu tư về trang thiết bị và nâng cao trình độ chuyên môn, y tế xã đã được tin tưởng giao quản lý, điều trị các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm. Đến hết năm 2019, đã có 207 xã thực hiện quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp và 158 xã thực hiện quản lý điều trị bệnh đái tháo đường.

Bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn khẳng định: Với năng lực hiện tại, y tế xã hoàn toàn có thể làm tốt việc quản lý, điều trị các bệnh xã hội, và thực hiện tốt công tác y tế dự phòng ở cơ sở. Thực hiện quản lý toàn diện y tế xã về nhân lực và chuyên môn, Trung tâm y tế huyện đã chủ động điều hành hoạt động của y tế xã trong từng giai đoạn và từng mô hình bệnh tật. Thực hiện tốt vấn đề này, y tế xã sẽ được tháo gỡ những khó khăn, nhất là tình trạng thiếu bác sĩ trình độ cao và thiết bị kỹ thuật.

Đối với tuyến huyện, cùng với nâng cấp mở rộng, các bệnh viện huyện đã từng bước được trang bị các thiết bị y tế theo tuyến ngày càng hiện đại. Thực hiện đề án 1816 về  tiếp nhận và chuyển giao kỹ thuật giữa các tuyến y tế, các trung tâm y tế huyện ngày càng có nhiều kỹ thuật theo tuyến và vượt tuyến, kỹ  thuật mới cùng với thiết bị mới đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, giảm thiểu chi phí đi lại và thời gian cho nhân dân và giảm tỷ lệ chuyển tuyến.

Là một tỉnh biên giới với nhiều cửa khẩu quốc gia và quốc tế, nhiều lối mở, cặp chợ đường biên, công tác y tế dự  phòng được đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả việc phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh, nhất là dịch bệnh có nguồn gốc từ nước ngoài. Trong những năm qua, song song với việc  củng cố, hoàn thiện về cơ cấu tổ  chức, năng lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được nâng lên. Phép thử của năng lực đó là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, nhất là  phát hiện, cách ly, ngăn ngừa dịch Covid-19 trong từng giai đoạn.

Những thành tựu đạt được đã khẳng định sự phát triển và lớn mạnh của y tế cơ sở Lạng Sơn. Tuy vậy, y tế xã cũng còn nhiều khó khăn, nhất là việc kiên cố hóa nhà trạm, mua sắm trang thiết bị y tế và nâng cao chất lượng bác sĩ. Giải quyết được 3 khâu yếu này, y tế xã sẽ thực sự mạnh, xứng đáng là y tế tuyến đầu trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho người dân và phòng chống dịch bệnh.

MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)