Thứ sáu,  20/09/2024

Thiếu vắc xin phòng dại tại cơ sở y tế công lập: Bất cập từ công tác đấu thầu

(LSO) – Mặc dù đã có quy định khá rõ ràng về việc đấu thầu thuốc và vắc xin tại các cơ sở y tế (CSYT) công lập, nhưng với đặc thù riêng của vắc xin phòng dại là loại có nhu cầu cao, thì nhiều quy định đang khiến các đơn vị gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng.

Đã hết tháng 7, nhiều cán bộ Trung tâm Y tế huyện Văn Quan đang phải “than trời” vì lo ngại thiếu một số loại vắc xin dịch vụ, đặc biệt là vắc xin phòng dại. Với nhu cầu cao của người dân trong mùa hè – khi bệnh dại có điều kiện phát triển – thì lượng vắc xin tồn dư từ năm 2019 khó mà đảm bảo. Anh Vy Văn Hương, Khoa Dược, Trung tâm Y tế huyện Văn Quan chia sẻ: Hiện trung tâm chỉ còn khoảng hơn 1.000 liều, mà mỗi người dân nếu bị chó cắn phải tiêm từ 3 đến 5 liều, nên chúng tôi rất lo ngại việc thiếu vắc xin trong thời gian ngắn tới đây.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra vắc xin tại kho của trung tâm

Không riêng huyện Văn Quan, tình trạng thiếu vắc xin phòng dại hiện cũng đang là nỗi lo chung của nhiều CSYT công lập, trong đó có cả Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh. Qua tìm hiểu và trao đổi với cán bộ phòng chuyên môn tại một số đơn vị trên, chúng tôi nhận thấy một số bất cập tồn tại trong khâu đấu thầu, chủ yếu xoay quanh việc thực hiện Thông tư 15 ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế về đấu thầu thuốc tại các CSYT công lập. Cụ thể, trước đây, các CSYT có thể mua vắc xin không qua đấu thầu, đơn cử như TTKSBT thường mua vắc xin trực tiếp từ Công ty Cổ phần y tế Đức Minh. Tuy nhiên, Thông tư 15 (có hiệu lực từ ngày 1/10/2019) lại yêu cầu các CSYT công lập có nhu cầu mua vắc xin để phục vụ công tác tiêm chủng dịch vụ thì phải xây dựng kế hoạch và đấu thầu theo quy định. Như vậy, nếu mua vắc xin trực tiếp sẽ không đúng theo quy định của thông tư, khiến các đơn vị lâm vào tình trạng phải chờ đợi hoàn tất thủ tục đấu thầu, có nhà thầu … kéo dài đến mấy tháng, dẫn đến tình trạng thiếu vắc xin.

Bên cạnh đó, theo khảo sát, tra cứu của các CSYT công lập trên địa bàn tỉnh, hầu hết các nhà sản xuất và cung ứng vắc xin thuộc nhóm 5 (nhóm gồm nhiều loại thuốc và hầu hết các loại vắc xin) tại Việt Nam hiện nay đều chưa được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế đánh giá đạt tiêu chuẩn WHO-GMP (tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc), trong khi đây là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc để trúng thầu. Bà Nông Thị Mai, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tài chính, TTKSBT tỉnh cho biết: “Qua khảo sát của trung tâm, nhiều nhà thầu có đủ vắc xin cung ứng nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc… chưa đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế; còn một số loại vắc xin phòng dại từ châu Âu có thể đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí đặt ra, thì khu vực này đang phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid – 19 khiến chúng tôi rất lo ngại về khả năng đảm bảo cung ứng. Trước tình hình đó, trung tâm đã có Công văn số 190 ngày 6/5/2020 đề nghị Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế hướng dẫn mua sắm vắc xin phòng dại thuộc nhóm 5 theo quy định, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.”

Những bất cập trên đã dẫn đến tình trạng thiếu vắc xin phòng dại tại nhiều CSYT công lập trên toàn tỉnh. Trước thực trạng đó, Sở Y tế đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị đảm bảo đủ vắc xin cho người dân. Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để hướng dẫn các CSYT thực hiện việc đấu thầu, Sở Y tế đã ban hành văn bản số 1599 ngày 7/10/2019 về việc thực hiện quy định đấu thầu vắc xin phục vụ công tác tiêm chủng, trong đó có nội dung: nếu có nguy cơ thiếu vắc xin thì tùy theo tình hình thực tế, đơn vị có thể lựa chọn trình UBND tỉnh mua theo các hình thức phù hợp như: chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh… tuy nhiên, một số quy định tại thông tư mới khiến các đơn vị còn đang lúng túng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình của các CSYT, từ đó có những tham mưu, đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh và Bộ Y tế để có những giải pháp tháo gỡ phù hợp, hiệu quả, lâu dài.

Ông Thanh nhấn mạnh: “Sở Y tế sẽ chỉ đạo các CSYT trên toàn tỉnh tích cực, chủ động hơn nữa, và cam kết sẽ cùng đồng hành với các đơn vị để tháo gỡ khó khăn, tuyệt đối không để thiếu vắc xin tiêm chủng cho người dân.”

Trước sự cấp bách do thiếu vắc xin và nguy cơ lây lan bệnh dại, UBND tỉnh đã có Công văn hỏa tốc số 2945 ngày 23/7/2020 giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan rà soát, tham mưu chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh. Căn cứ theo tình hình thực tiễn, Sở Y tế đã có Báo cáo thẩm định số 403 ngày 28/7/2020 trình UBND tỉnh phê duyệt, theo đó đề nghị áp dụng hình thức “chỉ định thầu rút gọn” đối với vắc xin phòng dại để nhanh chóng có vắc xin cho các CSYT công lập.

ĐẶNG DŨNG