Thứ sáu,  20/09/2024

Cần tăng cường kiểm định chất lượng nước sinh hoạt

(LSO) – Mặc dù trong thực tế chưa có vụ việc nào bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mất vệ sinh nguồn nước sinh hoạt gây ra nhưng thực tế công tác kiểm định chất lượng vệ sinh nước sinh hoạt vẫn còn những bất cập nhất định, cần được tăng cường các giải pháp để hiệu quả hơn.

Trong tháng 9/2020, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Y tế đã kiểm tra, giám sát công tác tác y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các đơn vị, doanh nghiệp, phục vụ các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn. Qua kiểm tra, đã có 2 mẫu nước tại huyện Bắc Sơn và thành phố Lạng Sơn có hàm lượng vi khuẩn vượt quá tiêu chuẩn quy định cho phép. Sau kiểm tra, các đơn vị đều đã xử lý, khắc phục để đảm bảo phục vụ tốt cho các sự kiện được tổ chức tại địa phương. Mặc dù số vụ phát hiện nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh còn ít song nếu không được kiểm tra, khắc phục kịp thời thì lượng nước này được sử dụng thường xuyên, liên tục dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Cán bộ Khoa Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xét nghiệm nguồn nước

Không chỉ có nguồn nước mất vệ sinh, thời gian qua, công tác kiểm định chất lượng nước còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể: hiện nay, việc quy hoạch sử dụng nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn để phục vụ sinh hoạt cho người dân chỉ tập trung ở khu vực thành phố, thị trấn. Do đó, việc xét nghiệm, kiểm tra vẫn chủ yếu là các mẫu nước thuộc khu vực thành phố, thị trấn. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh tiếp nhận 800 đến 1.000 mẫu nước xét nghiệm, chủ yếu là của các trường học, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn và một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tại khu vực thành thị. Số mẫu nước lấy từ khu vực nông thôn gần như không có. Trong thực tế, nhiều hộ dân sống tại vùng nông thôn chưa biết đến dịch vụ kiểm định chất lượng nước, hoặc biết nhưng không quan tâm hoặc có tâm lý chủ quan rằng nguồn nước đang sử dụng (nước giếng, nước tự chảy) đảm bảo vệ sinh. Ông Chu Văn Héo, thôn Đồng Thủy, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng cho biết: Gia đình tôi sử dụng nước tự chảy từ khe núi dẫn về. Nước trong, sạch và mát. Mấy năm nay, gia đình tôi sử dụng chưa xảy ra vấn đề gì liên quan đến nguồn nước nên khá yên tâm.

Kĩ sư Nguyễn Đức Tiến, Trưởng Khoa xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, Trung tâm CDC cho biết: Quy định việc các cơ sở được phép chuẩn bị mẫu nước để mang đi kiểm định tạo ra “lỗ hổng”, khiến cơ quan chức năng khó quản lý bởi các đơn vị có thể chuẩn bị các mẫu nước sạch không đúng với nguồn nước đang sử dụng tại cơ sở.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khi sử dụng các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh có thể gây các bệnh nhiễm trùng đường ruột như: tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn, tiêu chảy, giun sán và các bệnh ngoài da, bệnh về mắt, ung thư… Vì vậy, công tác kiểm định chất lượng nước sinh hoạt là rất quan trọng và cấp thiết. Các cấp, ngành liên quan cần tăng cường hơn nữa trong thực hiện công tác này. Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm định nguồn nước sinh hoạt, thời gian tới, Sở Y tế sẽ chỉ đạo Trung tâm CDC tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước trên địa bàn, từ thành thị đến nông thôn. Tổ chức khảo sát, rà soát tình hình sử dụng nước sinh hoạt trên địa bàn, có thể xây dựng chuyên đề kiểm tra nước sạch dùng cho ăn uống, sinh hoạt. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để người dân phân biệt được nguồn nước sạch, nước hợp vệ sinh, đồng thời hướng dẫn người dân phương pháp căn bản trong xử lý nước sinh hoạt trước khi ăn uống tại cơ sở.

Nước sạch là một phần quan trọng trong cuộc sống. Cùng với ngành y tế, chính quyền các cấp cần quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác kiểm định, xét nghiệm chất lượng nước sinh hoạt, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân biết và sử dụng nguồn nước đảm bảo. Người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn cần quan tâm sử dụng nguồn nước sạch, gửi mẫu đến cơ quan chức năng kiểm định chất lượng nguồn nước (giếng, nước tự chảy) đang sử dụng, nếu không đảm bảo cần có biện pháp thay thế nguồn nước hợp vệ sinh nhằm tránh những tác hại do nước ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh gây ra
TRIỆU THÀNH