Thứ sáu,  20/09/2024
Đưa vắc-xin mới vào tiêm chủng mở rộng:

Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân

LSO-Từ cuối quý II/2018, nhiều loại vắc-xin mới sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có việc thay thế vắc-xin Quinvaxem bằng vắc- xin phối hợp “5 trong 1”.

Tiêm chủng cho trẻ em tại Trạm Y tế phường Chi Lăng
(thành phố Lạng Sơn)

Sự băn khoăn của người dân

Có con 3 tháng tuổi đang tiêm Quinvaxem mũi 2 vào tháng 4/2018, chị Nguyễn Thị Nhẫn, phường Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn) lo lắng rằng không biết trong đợt tiêm tháng tới con chị đã phải dùng loại vắc-xin mới “5 trong 1” hay chưa và có có ảnh hưởng gì không. Mang thắc mắc này hỏi nhân viên trạm y tế, chị được giải thích là trong tháng 5 vẫn còn loại Quinvaxem và các cháu trong độ tuổi của con chị vẫn được tiêm bình thường. Khác với chị Nhẫn, chị Đặng Thị Thanh, phường Chi Lăng khá lo lắng khi nghe các phương tiện thông tin đại chúng thông báo chủ trương của Bộ Y tế là từ tháng 6/2018 trẻ sẽ được tiêm vắc-xin “ 5 trong 1” mới thay thế Quinvaxem. Chị nói rằng: Trong tháng 4: con tôi đã được tiêm Quinvaxem mũi 1 phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib. Theo chương trình thay thế vắc-xin, trong tháng 5 con tôi vẫn tiếp tục được tiêm Quinvaxem mũi 2; song đến tháng 6 sẽ tiêm loại “5 trong 1” mới” thay thế Quinvaxem. Không biết đang tiêm loại này, lại tiêm loại khác, con tôi có phản ứng gì không, có đảm bảo an toàn không…”.

Những lo lắng băn khoăn như vậy luôn được các bà mẹ đặt ra khi đưa con đi tiêm chủng tại các điểm tiêm ở các phường, thị trấn trong tỉnh. Do nắm được chủ trương của ngành, các nhân viên y tế luôn giải thích cặn kẽ cho họ, rằng việc thay thế vắc-xin là chuyện bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và hiệu quả bảo vệ.

Cần tuyên truyền để giải tỏa băn khoăn

Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền  nhiễm – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, năm 2018, nhiều vắc-xin mới sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng như vắc-xin sởi-Rubella do Việt Nam sản xuất; cùng với tiếp tục cho trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi uống vắc-xin bại liệt phòng bOPV, thì vắc-xin tiêm phòng bại liệt (IPV) sẽ được tiêm cho trẻ 5 tháng tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Và đặc biệt, từ tháng 6/2018 sử dụng vắc-xin “5 trong 1” mới sẽ thay thế vắc-xin Quinvaxem do Ấn Độ sản xuất.

Việc bổ sung thuốc chữa bệnh là chuyện bình thường của ngành y tế; song do vắc-xin Quinvaxem đã quá quen thuộc với người dân từ 7 năm nay nên thay thế loại mới cũng không thể tránh khỏi sự tâm tư của họ về hiệu quả bảo vệ và đặc biệt là tính an toàn của nó. Về vấn đề này, ngành y tế khẳng định rằng loại vắc-xin thay thế  “5 trong 1” vẫn có cùng thành phần và hiệu quả bảo vệ 5 bệnh là: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do khuẩn Hib; loại vắc-xin này đã được tiêm với quy mô nhỏ tại một số tỉnh, đã khẳng định tính an toàn cao và nay được sử dụng trong toàn quốc.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nói rằng: những băn khoăn của người dân cũng là chuyện bình thường. Nó chứng tỏ trình độ nhận thức cao và mối quan tâm của họ tới y tế nói chung và công tác tiêm chủng mở rộng nói riêng. Lạng Sơn có truyền thống tiêm chủng đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ cao.  Năm 2017, tỷ lệ tiêm chủng toàn tỉnh đạt trên 103% và đã góp phần quan trọng giảm thiểu trẻ em mắc bệnh. Trong quý I/2018, tỷ lệ tiêm chủng đã đạt trên 28% kế hoạch năm. Vấn đề là chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho họ, tránh những e ngại không đáng có. Mặt khác, khi triển khai các loại vắc-xin mới, nhất là loại vắc – xin thay thế, công tác tiêm cần hết sức thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm như: khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm… Không vì triển khai loại vắc-xin mới mà nảy sinh tình trạng từ chối đưa con đi tiêm hoặc đi tiêm không đầy đủ theo lịch.

MINH HỒNG