Thứ sáu,  20/09/2024

Dân dã bánh Củ chuối Bình Gia


Bánh củ chuối thành phẩm

– Bánh củ chuối là một món bánh độc đáo của người dân tộc Tày xứ Lạng. Từ những nguyên liệu bình dị, dân dã như gạo nếp, củ chuối, đỗ xanh và lá chuối khô, người dân trên địa bàn huyện Bình Gia đã tạo nên một món bánh có hương vị ngọt mát, mang đậm hơi thở quê hương.

Những ngày đầu tháng 11/2022, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình bà Vy Thị Hằng, thôn Nà Pái, xã Tân Văn, huyện Bình Gia. Đây cũng là gia đình làm bánh củ chuối lâu năm, có tiếng tại địa phương. Ngay khi bước vào cửa, chúng tôi đã ngửi thấy mùi thơm của đỗ xanh hòa quyện cùng dừa khô ngào ngạt khắp căn bếp. Trong lúc đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu cho mẻ bánh mới, bà Hằng chia sẻ: Để làm ra được những chiếc bánh thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, tôi thường mất 1 đến 2 ngày để hoàn thiện việc sơ chế nguyên liệu. Do vậy, cứ cách vài ngày, gia đình tôi mới làm bánh, mỗi mẻ khoảng 200 chiếc, với giá bán 6.000 đồng/chiếc, trung bình mỗi mẻ gia đình tôi thu về gần 1 triệu đồng.

Không giống với những tỉnh thành khác, bánh củ chuối ở Bình Gia có cách làm riêng biệt. Nguyên liệu để làm bánh củ chuối gồm: bột gạo nếp, củ chuối, đường, đỗ xanh, dừa và vừng trắng. Đều là những nguyên liệu dễ kiếm nhưng nếu không biết cách sơ chế, bánh sẽ có vị chát, không có được độ dẻo của bột gạo nếp và vị dịu mát, thơm bùi của củ chuối.


Người dân gói nhân bánh củ chuối

Để có được những chiếc bánh chất lượng, việc chọn lựa củ chuối rất quan trọng. Thông thường, người làm bánh sẽ tận dụng những cây chuối hột bị đốn ngã để đào lấy củ. Củ được chọn phải là những củ chuối già, có hàm lượng tinh bột cao. Sau khi nạo sạch lớp vỏ bên ngoài, củ chuối sẽ được đem đi băm nhỏ và ninh trên bếp đến khi nhừ. Tiếp đó, củ chuối được vớt ra ngoài, rửa sạch với nước và ngâm 1 ngày cho sạch nhựa. Sau khi sơ chế, củ chuối sẽ có màu nâu đỏ rất đẹp mắt. Đây cũng là điểm tạo nên sự khác biệt so với bánh củ chuối có màu cánh gián ở các tỉnh thành khác.

Gạo để làm bánh phải là gạo nếp mới, thơm, hạt to, mẩy. Trước khi nghiền thành bột, gạo sẽ được vo với nước nhiều lần và ngâm khoảng 5 – 6 tiếng đồng hồ. Sau khi hoàn thành các bước sơ chế, người làm bánh sẽ đem bột gạo nếp và củ chuối trộn đều lại với nhau. Để bánh không bị nhão, người làm thường trộn với tỉ lệ 2:1 (2 cân bột, 1 cân củ chuối). Nếu như trước đây, người làm phải giã bánh bằng tay thì ngày nay vỏ bánh được cho vào máy xay thịt cỡ lớn để xay nhuyễn. Cách làm này vừa giúp người làm bánh tiết kiệm công sức, vừa giúp vỏ bánh được mềm mịn.

Đối với lá để gói bánh phải là lá chuối hột, không bị rách, bị sâu. Lá chuối tươi sau khi lấy về sẽ đem đi phơi khô, lau sạch. Nhân bánh thường là đỗ xanh đã làm sạch võ, ngâm với nước khoảng 6 – 8 giờ đồng hồ trước khi mang đi đồ. Sau khi đồ, để nguội, người làm bánh tiếp tục đem lên bếp xào đến khi khô lại, trộn đường và dừa đã nạo thành sợi, đảo đều trong vòng 20 phút. Trong lúc xào nhân bánh, người làm phải đảo đều liên tục, nếu không nhân sẽ bị cháy, không giữ được mùi vị thơm ngon.

Để thuận tiện cho việc gói bánh, người làm sẽ thấm đều dầu lên tay rồi lấy một lớp bột mỏng, nặn thành hình vỏ sò, cho nhân vào giữa và vo tròn lại, thêm một chút vừng trắng lên vỏ bánh để khi ăn bánh thơm và ngon hơn. Cuối cùng là bôi dầu lên lá chuối khô, gói bánh lại, gấp 2 đầu và mang đi hấp trong vòng 40 phút.

Trước đây, bánh củ chuối chỉ được làm vào các dịp lễ, tết như rằm tháng 2, rằm tháng 7. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, một số gia đình ở huyện Bình Gia hướng đến phát triển kinh doanh bánh củ chuối và biến món bánh này trở thành một đặc sản của huyện nhà. Nhờ sự độc đáo cộng với mùi vị thơm mát của đậu xanh, ngọt thanh của sợi dừa, vị thơm bùi của củ chuối, sản phẩm không chỉ nhận sự yêu thích của thực khách trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh thành khác như: Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nội…

Chị Trần Ngọc Huyền, quận Long Biên, thành phố Hà Nội chia sẻ: Tôi đã thử qua rất nhiều loại bánh củ chuối đến từ các tỉnh như: Cao Bằng, Bắc Kạn…Nhưng bánh củ chuối của người dân huyện Bình Gia mang đến một hương vị rất ngon lạ, tôi rất ấn tượng với hương vị dịu mát, thơm bùi của bánh. Mỗi lần có dịp đến đây công tác, tôi đều mua bánh củ chuối về thưởng thức và làm quà biếu bạn bè, đồng nghiệp.

Dân dã, bình dị là vậy nhưng món bánh củ chuối lại chứa đựng nhiều công sức và tình cảm của người làm gửi trao đến thực khách. Tin rằng, đây sẽ là một món quà ẩm thực độc đáo đáng để du khách thưởng thức và mang biếu người thân, bạn bè khi có dịp đến với Xứ Lạng.

Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền các hộ thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tham mưu cho huyện tuyên truyền, hướng dẫn các hộ làm bánh củ chuối xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đồng thời, tạo điều kiện tối đa để sản phẩm bánh củ chuối có mặt tại các hội chợ thương mại, hội thảo, hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh để quảng bá rộng rãi và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia

MAI LINH - KIM CHI