Thứ sáu,  20/09/2024

270 tỷ đồng xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa

Theo Bộ Quốc phòng, Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc dioxin tại sân bay Biên Hòa có tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và ngân sách Quốc phòng. Dự án được giao cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự kiến là từ nay tới năm 2020.

Theo đó, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đồng ý về chủ trương, giao Bộ Quốc phòng phê duyệt, bao gồm các hạng mục chính: rà phá bom mìn; xây dựng hạ tầng, đường giao thông; khoanh vùng chống lan tỏa chất độc dioxin; di chuyển các đơn vị, công trình quân đội ra khỏi khu vực bị ô nhiễm mới đã được phía Hoa Kỳ và Việt Nam phát hiện.

Dự án là một bước đi cụ thể nhằm thực hiện quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, của Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, công tác xử lý chất độc hóa học ở các điểm nóng nói riêng.


Khu vực bị ô nhiễm do dioxin ở sân bay Biên Hòa (Ảnh: Sỹ Tuyên)

Đồng thời, Dự án cũng chính là sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo về hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng triển khai thực hiện Dự án xử lý tổng thể chất độc hóa học dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa bằng kinh phí ODA không hoàn lại của Hoa Kỳ và một số đối tác quốc tế có thiện chí, với tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD sẽ khởi công vào cuối năm nay. Sau khi dự án hoàn thành, sẽ hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ phơi nhiễm dioxin cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân sinh sống tại khu vực trong và ngoài sân bay.

Liên quan đến lĩnh vực khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh, theo các nghiên cứu “Xử lý dioxin tại các điểm nóng ô nhiễm nặng tại Việt Nam” được tài trợ bởi GEF/UNDP, thực hiện trước đây, ở bên ngoài về phía Tây sân bay và các hồ trong sân bay Biên Hòa, đã phát hiện nhiều điểm ô nhiễm dioxin.

Các chuyên gia đánh giá, mức độ ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa so với sân bay Đà Nẵng, Phù Cát lớn hơn, phức tạp hơn nhiều; đồng thời bày tỏ lo lắng khi phát hiện nhiều điểm nhiễm dioxin có vị trí cao hơn trong sân bay này.

Từ kết quả đánh giá ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, các chuyên gia khuyến cáo phải tiến hành các biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân. Đối với các hồ trong sân bay, tuyệt đối không được tiếp xúc và phải dừng mọi hoạt động kinh doanh, đánh bắt thủy, hải sản. Khu vực bên ngoài phía Tây sân bay theo kênh thoát nước, mặc dù nồng độ không cao, nhưng vẫn phải khuyến khích người dân sử dụng nước máy. Một số phường của thành phố Biên Hòa ở gần sân bay Biên Hòa như phường Quang Vinh, Bửu Long, Tân Phong và Trung Dũng có nguy cơ phơi nhiễm dioxin./.

Theo Dangcongsan