Thứ sáu,  20/09/2024

Ký ức một thời hoa lửa

(LSO) – Đã 44 năm trôi qua, nhưng trong ký ức những cựu binh từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, hình ảnh những ngày tháng Tư lịch sử ấy vẫn còn vẹn nguyên. May mắn gặp được những người trực tiếp cầm súng ngày ấy, được nghe kể về “một thời hoa lửa”, chúng tôi thêm trân trọng giá trị lịch sử, tự hào và biết ơn thế hệ cha ông đi trước…

Khuôn mặt quắc thước, vầng trán cao, chòm râu dài là ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp cựu chiến binh Vi Văn Ân, 68 tuổi, thôn Yên Thành, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc. Cầm trên tay giấy chứng nhận khen thưởng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Ân lần giở lại những kỷ niệm cuộc đời binh nghiệp của mình.

Năm 1971, khi 19 tuổi, đang là học sinh lớp 10, chàng trai Vi Văn Ân xung phong lên đường nhập ngũ. Ông được cử huấn luyện trinh sát cho đơn vị pháo binh, chuyên về tính tọa độ bắn pháo, thuộc Bộ Tư lệnh 351, đóng quân ở Ba Vì, Hà Tây cũ. Sau huấn luyện và thử thách qua nhiều trận đánh, năm 1973, ông được bổ sung vào Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, quân đoàn chủ lực đánh vào hướng Bắc Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh sau này. Bấy giờ, ông là Đại đội phó Đại đội 3, Tiểu đoàn 10.

Ông Vi Văn Ân bên giấy chứng nhận tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975

Tháng 2/1975, nhận được lệnh của Quân ủy Trung ương về chuẩn bị cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, đơn vị ông hành quân từ Quỳnh Lưu (Nghệ An) sang Lào để tiến vào miền Nam. Sau 2 tháng ròng rã, ngày 2/4/1975, đơn vị ông vào đến Bình Long, Sông Bé (tỉnh Bình Dương, Bình Phước ngày nay). Mốc thời gian này rất đáng nhớ đối với ông bởi đó là ngày ông được kết nạp Đảng.

Ông kể: Tại các mặt trận đó, quân địch nã pháo chống trả liên hồi, đồng thời máy bay chúng mù mịt trên trời và ở tầm thấp, xả súng cày xới mặt đất suốt ngày đêm. Nhưng nhờ ngụy trang khéo léo, kỷ luật hành quân nghiêm ngặt nên đơn vị ít thương vong. Vừa tiến quân, đơn vị vừa dùng pháo bắn đuổi, bắn dồn khiến địch lui dần, co cụm lại, quân ta thừa thắng xông lên.

Chiến đấu trong chiến dịch, ác liệt nhất với đơn vị là trên các mặt trận: Bình Chánh, nhà tù Phú Lợi và khu vực Lai Khê, Bến Cát, diễn ra từ ngày 27 đến ngày 30/4/1975. Trong đó, khác với những trận đánh trước, khoảng 8 giờ ngày 30/4, đơn vị ông chỉ còn cách nhà tù Phú Lợi chừng 800 m, nhận thấy khoảng cách gần, đơn vị không cần tính tọa độ mà nã thẳng pháo vào, chỉ 30 phút sau là ta đã tiếp quản cứ điểm này. Trưa cùng ngày, ta cũng nhanh chóng làm tan rã sở chỉ huy địch án ngữ tại Lai Khê, Bến Cát (Bình Dương), Chuẩn tướng ngụy là Lê Nguyên Vỹ do quá hoảng sợ đã tự sát trên bàn làm việc. “Nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, anh em ôm chầm lấy nhau, khóc, cười vì sung sướng, tâm trạng đó thật khó diễn tả” – ông Ân xúc động kể.

Nếu ông Vi Văn Ân là thành viên Sư đoàn 312 lừng danh thì ông Dương Văn Hồ, 72 tuổi, trú tại khối Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cũng có mặt trong cánh quân dũng mãnh của Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 – đơn vị đảm nhận tiến công vào hướng Tây Bắc Sài Gòn trong chiến dịch, trực tiếp là 2 mục tiêu quân sự: sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Theo lời kể của ông, đêm 28/4, rạng sáng 29/4/1975, các đơn vị bộ binh và hỏa lực của Sư đoàn 10 đã hiệp đồng bí mật chiếm đóng cầu Bông, cầu Sáng, cửa ngõ vào Sài Gòn theo hướng Tây Bắc. Đêm 29/4, các mũi tiến công của sư đoàn thọc sâu, tiến sát khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy. Sáng sớm ngày 30/4/1975, toàn bộ các trận địa pháo của Quân đoàn 3 đồng loạt bắn vào 2 cứ điểm này, làm nhiều máy bay và kho bom đạn của địch nổ tung.

Thế đánh của quân ta khi ấy như chẻ tre, đúng theo mệnh lệnh “thần tốc, táo bạo” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bộ binh địch hoảng sợ bỏ chạy tán loạn hoặc hạ vũ khí đầu hàng, đến trưa cùng ngày, quân ta đã chiếm trọn 2 cứ điểm này. “Nhìn lá cờ quyết thắng của quân đội ta được kéo lên đỉnh cột cờ cao vút ở sân bay Tân Sơn Nhất, tung bay trong nắng, hình ảnh đó rất thiêng liêng, vui sướng” – ông Hồ bồi hồi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong tổng số trên 10.000 cựu chiến binh (CCB) từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, toàn tỉnh có khoảng 200 người tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Góp sức làm nên chiến thắng lịch sử đó, nhiều người đã bỏ một phần thân thể của mình tại chiến trường, bị nhiễm chất độc da cam… Giờ họ đều đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ vẫn đang tiếp tục phát huy vai trò, phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới.

Nói về những CCB đặc biệt đó, ông Tống Quốc Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo, Hội CCB tỉnh tự hào: Những CCB tham gia chống Mỹ nói chung, trực tiếp tham gia các chiến dịch giải phóng miền Nam nói riêng là thế hệ cha anh với nhiều mất mát, hy sinh vì Tổ quốc. Nếu trong chiến đấu, họ là những con người anh dũng thì trong đời thường, họ luôn là tấm gương sáng trong mọi lĩnh vực cho con cháu noi theo; tiếp tục cống hiến trí tuệ, công sức vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước…

HOÀNG HUẤN