Thứ hai,  08/07/2024

Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

– Tiếp tục chương trình làm việc trong khuôn khổ hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 4, khoá XV, sáng 30/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các ĐBQH đã họp phiên xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp cho ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự hội nghị với 2 đại biểu chuyên trách do đồng chí Triệu Quang Huy, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến Nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo luật tại Phiên họp thứ 25. Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan thực hiện tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo.

Đến thời điểm này, nhiều nội dung trong dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp, các quy định của dự thảo luật có bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau, nhiều nội dung chưa có phương án tiếp thu. Tại hội nghị ĐBQH chuyên trách, các ĐBQH đã tham gia ý kiến về những vấn đề trọng tâm trong báo cáo cũng như các vấn đề các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên họp

Phát biểu ý kiến đóng góp tại hội nghị, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nguyên tắc bền vững trong sử dụng đất. Cụ thể, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân được Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tuy nhiên dự thảo luật chưa có quy định về trách nhiệm cũng như mối quan hệ giữa Nhà nước với tư cách là người đại diện và toàn dân với tư cách là người sở hữu đất đai, trường hợp nào Nhà nước phải lấy ý kiến toàn dân, trường hợp nào toàn dân quyết định. Đại biểu đề nghị nội dung này cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo luật.

Về nguyên tắc sử dụng đất, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng đất đai là tài nguyên hữu hạn, vì vậy đề nghị bổ sung nguyên tắc “bền vững” trong sử dụng đất vào khoản 2 Điều 5 dự thảo luật làm căn cứ, cơ sở cho việc xác lập các chính sách trong dự thảo luật.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đại biểu đề nghị bổ sung quy định làm rõ việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải được thực hiện theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất, vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Dân sự.

Quan tâm tới vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu cho rằng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đất đai không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về tâm linh. Cần phải quan tâm đến văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống của đồng bào khi đưa ra các quy định về đất đai. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc: tôn trọng tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số vào Điều 5 dự thảo luật làm cơ sở cho các chính sách quy định tại Điều 16 của dự thảo luật.

Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 4 diễn ra từ ngày 28/8 và kết thúc trong sáng 30/8. Trong 2,5 ngày diễn ra hội nghị, các ĐBQH đã đóng góp ý kiến thảo luận vào một số dự thảo luật sửa đổi còn nhiều ý kiến khác nhau gồm: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi).

 

THANH HUYỀN - ANH TUẤN