Thứ sáu,  20/09/2024

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CÁC ỨNG CỬ VIÊN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV, NHIỆM KỲ 2021 – 2026

Ông Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 – 2021

Để các cử tri nắm được rõ hơn và thuận lợi trong quá trình tìm hiểu các ứng cử viên và tiến hành bầu cử, tôi xin giới thiệu ngắn gọn về bản thân như sau: Tôi là Hoàng Văn Nghiệm; sinh năm 1968, dân tộc: Tày; quê quán: Xã Bình La, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Trong quá trình công tác, tôi đã tham gia nhiều hoạt động, trải qua các chức vụ công tác như: Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Bình Gia; Phó Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch (nay là Sở Công Thương), Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Tỉnh uỷ viên, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh, Bí thư Huyện uỷ Lộc Bình và hiện nay là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, nhiệm kỳ 2016 – 2021, dù ở vị trí công tác nào, tôi cũng luôn nỗ lực, phấn đấu cùng với cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở để xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng phát triển.

Vừa qua, tôi được cấp ủy đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, cử tri nơi công tác và cử tri nơi cư trú tín nhiệm giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Tôi xác định đây là niềm vinh dự rất tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm rất lớn lao trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân và cử tri, nhưng quan trọng hơn là cơ hội để tôi tiếp tục được cống hiến cho quê hương, xây dựng tỉnh Lạng Sơn và góp phần xây dựng đất nước nhiều hơn nữa trên cương vị người đại biểu của Nhân dân.

Tôi nhận thức sâu sắc rằng Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Do vậy, đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội phải có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, trí tuệ và kinh nghiệm hoạt động trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Khi được cử tri tín nhiệm bầu tôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đầy đủ và hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội,  nguyện mang sức lực và trí tuệ góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn và đất nước trong giai đoạn mới ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của cử tri, với Chương trình hành động cụ thể như sau:

Thứ nhất: Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và nêu gương về phẩm chất, đạo đức lối sống. Tích cực nghiên cứu, học hỏi với tinh thần cầu thị nhằm nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ về mọi mặt để tham gia hiệu quả vào xây dựng  và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; đóng góp tốt cho việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Thứ hai: Thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, với chính quyền địa phương, tiếp xúc thực tế để nắm bắt thực tiễn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng, thấu hiểu hoàn cảnh của Nhân dân nhằm đưa ra những giải pháp kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở. Rèn luyện phong cách sống và làm việc trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân, học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức, sáng kiến quý báu và sức mạnh đại đoàn kết của Nhân dân như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân; không có sức mạnh nào vô địch như sức mạnh đoàn kết của Nhân dân”. Luôn lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu và phản ánh trung thực các ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; kiên trì theo dõi, giám sát việc giải quyết các vấn đề cử tri kiến nghị, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát, vận động, thuyết phục Nhân dân, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách đối với miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách đối với người có công, chính sách bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ ba: Cùng với trách nhiệm tham gia, quyết định các cơ chế chính sách phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, tôi rất quan tâm đến chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do vậy trong thời gian tới tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bao dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào và dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025. Triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, có hiệu quả, gắn với việc xây dựng nông thôn mới, khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí vươn lên của đồng bào dân tộc; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạn chế tái nghèo; tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, cải thiện và nâng cao điều kiện sống của Nhân dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các vùng, khu vực; nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tư: Tham gia đầy đủ các kỳ họp của Quốc hội, các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thảo luận, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri theo quy định. Tích cực tham gia nghiên cứu, đóng góp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội, xây dựng các cơ chế, chính sách, quyết định những vấn đề lớn liên quan đến quốc kế dân sinh.

Thứ năm: Tập trung nghiên cứu, đề xuất một số nội dung cụ thể sau:

+ Các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh Lạng Sơn để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch.

+ Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyên môn hóa sản xuất, nông nghiệp công nghệ cao, sản lượng cao, nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

+ Các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm các tầng lớp Nhân dân được thụ hưởng những chính sách tốt nhất về các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe và giải quyết việc làm, trong đó kiến nghị các cơ chế, chính sách phát triển văn hoá, giáo dục, khoa học gắn với việc xây dựng và phát triển toàn diện khu vực dân tộc thiểu số, miền núi.

+ Các chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ có phẩm chất, năng lực để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Lạng Sơn và đất nước.

+ Các giải pháp giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường; giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển nền kinh tế xanh, ít chất thải.

+ Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách Nhà nước và xã hội hóa bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.

+ Các giải pháp củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.

+ Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền tỉnh với các đảng bộ trực thuộc tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thứ sáu: Kiên quyết đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, của xã hội và của Nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chi tiêu và sử dụng ngân sách; xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất chính trị, năng lực trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tận tuỵ phục vụ Nhân dân.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, ngoài sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu của bản thân, các đại biểu Quốc hội cần có sự hợp tác, giúp đỡ, động viên, chia sẻ của các cơ quan hữu quan, của cử tri và Nhân dân toàn tỉnh Lạng Sơn. Về phần mình, tôi sẽ nỗ lực, cố gắng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, người đại biểu của Nhân dân và thực hiện tốt Chương trình hành động đã đề ra.

Trên đây là Chương trình hành động thực hiện trách nhiệm đại biểu khi được bầu làm đại biểu Quốc hội của cá nhân tôi, dù ở cương vị công tác nào, bản thân tôi cũng sẽ tận tâm, tận lực với công việc, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển toàn diện, bền vững, Nhân dân được hạnh phúc, ấm no. Rất mong tiếp tục nhận được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của cử tri và Nhân dân trong tỉnh để cá nhân tôi hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ khi được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.