Thứ sáu,  20/09/2024
Phụ nữ thị trấn Nông trường Thái Bình:

Học Bác tính cần, kiệm

LSO-Học theo Bác tính cần, kiệm, cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị trấn Nông trường Thái Bình (huyện Đình Lập) đã chăm chỉ lao động, chắt chiu tiết kiệm, biến mảnh đất nghèo nơi đây trở thành những trang trại xanh tươi, trù phú.

Mô hình kinh tế trồng chè kết hợp cây ăn quả của bà Nguyễn Thị Vinh, khu 2, thị trấn nông trường Thái Bình

Với gần 300 hội viên phụ nữ sinh hoạt tại 6 chi hội, những năm qua, Hội LHPN thị trấn Nông trường Thái Bình đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, ý nghĩa gắn thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với các phong trào thi đua cụ thể như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… Trong đó, chú trọng tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nhận thức được tầm quan trọng của 2 chữ “Cần, Kiệm” và tích cực ứng dụng có hiệu quả trong phát triển sản xuất kinh doanh, thực hành tiết kiệm, nâng cao đời sống.

Bà Vi Thị Giám, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Nông trường Thái Bình cho biết: Muốn làm kinh tế thì phải có vốn. Vì thế, hội đã rà soát đối tượng hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, xây dựng kế hoạch và tập trung nguồn lực giúp đỡ bằng các hình thức như: vay không lấy lãi, giúp cây con giống, ngày công, kinh nghiệm… Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thông qua 4 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tạo điều kiện cho 75 hội viên vay với tổng dư nợ trên 2,8 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình.

Từ nguồn vốn vay, các hội viên đã đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ đã có ý thức hơn trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh và sẵn sàng giúp nhau khi gặp khó khăn. Đến nay, hội có gần 50 mô hình có thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó có khoảng 20 mô hình cho thu nhập từ 200 triệu đồng/năm. Điển hình như: mô hình chế biến chè khô của chị Trần Thị Nguyễn (Chi hội khu 1); mô hình trồng gần 5 ha thông của chị Đặng Thị Nhài (Chi hội khu 5)…

Không chỉ vận động hội viên phát triển kinh tế, các chi hội còn vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ đăng ký thực hiện làm theo Bác qua hình thức xây dựng tổ phụ nữ tiết kiệm bằng hình thức nuôi lợn nhựa tại chi hội nhằm giúp nhau phát triển kinh tế, đặc biệt quan tâm đến phụ nữ nghèo.

Bà Nguyễn Thị Vinh (Tổ Trưởng TK&VV khu 2, thị trấn Nông trường Thái Bình) cho biết: Chồng tôi bị bệnh nên thường xuyên chữa trị tốn kém, sức lao động suy giảm, hoàn cảnh khó khăn nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực lao động. Năm 2005, tôi mạnh dạn vay vốn tín chấp của hội để trồng thông, chè. Vừa làm vừa tiết kiệm, năm 2015, gia đình tôi đã trả hết nợ và thoát nghèo. Hiện nay, gia đình tôi có hơn 2 ha thông, 1 ha chè và hơn 100 cây ăn quả các loại, tổng thu nhập đạt hơn 200 triệu đồng/năm.

Từ nguồn tiết kiệm tại các chi hội, hằng năm, Hội LHPN thị trấn đã giúp cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay không tính lãi để phát triển kinh tế gia đình. Trong năm 2017, toàn hội  giúp đỡ được 10 hội viên phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ xuống còn 50 hộ (chiếm 16,6%).

MINH NGỌC