Thứ năm,  19/09/2024

Thiếu hụt lao động, Nhật Bản thay thế bằng robot giao hàng

Bên cạnh khả năng vận chuyển tới 50 kg hàng hóa và di chuyển với tốc độ 60 km/h, robot giao hàng có tên CarriRo Deli của ZMP có trang bị cảm biến định vị và có thể giao tiếp với những cụm từ ngắn như “xin chào” và “cảm ơn”.
Robot CarriRo Deli của ZMP

 

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thương mại điện tử cùng với tình trạng thiếu hụt lao động trong xã hội đang già hóa ở Nhật Bản đã thôi thúc các hãng công nghệ cho ra đời một loại robot tự hành mới có nhiệm vụ giao hàng đến tận nhà cho khách hàng.

Công ty ZMP Inc, có trụ sở tại Tokyo đã vận hành thử nghiệm các dịch vụ giao hàng bằng robot trong khuôn viên các trường đại học và nhiều nơi khác ở Nhật Bản. Bên cạnh khả năng vận chuyển tới 50 kg hàng hóa và di chuyển với tốc độ 60 km/h, robot giao hàng có tên CarriRo Deli của ZMP có trang bị cảm biến định vị và có thể giao tiếp với những cụm từ ngắn như “xin chào” và “cảm ơn”. Robot có mắt đi ốt phát quang (LED), một tính năng chính giúp robot giống như người thật, từ đó tương tác hiệu quả hơn với con người.

Với chiều cao 109 cm, dài 96 cm và rộng 66 cm, CarriRo Deli chạy bằng pin và dùng cảm biến để di chuyển xung quanh nhờ một bản đồ tham chiếu. ZMP cho biết hiện robot này đang tự hành gần như hoàn toàn, dù nó vẫn cần một vài sự can thiệp của con người trong quá trình thử nghiệm khi gặp những tình huống bất thường như bị xe tải chắn đường hay gặp lối qua đường cho người đi bộ nhưng lại không có vạch kẻ đường.

Tuy nhiên, những hạn chế về mặt pháp lý đang cản trở các nhà sản xuất robot của Nhật Bản đi theo xu hướng trên, khi họ không thể triển khai robot giao hàng tự hành trên đường phố công cộng vì các công nghệ này không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật giao thông ở Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ cho phép robot giao hàng tự hành được thử nghiệm trên đường phố công cộng trong tài khóa này (kết thúc vào tháng 4/2020). Nhưng để làm được điều đó đòi hỏi Tokyo phải ban hành các quy định và thước đo an toàn mới, vì thế chính phủ và các doanh nghiệp có liên quan đã cùng nhau thành lập một hiệp hội để thảo luận các yêu cầu đặt ra trong vấn đề này.

Các hãng công nghệ trên khắp thế giới cũng đã bắt đầu thử nghiệm và vận hành robot giao hàng. Tại Anh, công ty Starship Technologies của Mỹ đang cung cấp dịch vụ giao hàng không giới hạn sử dụng robot tự hành Milton Keynes, với mức phí 7,99 bảng Anh (10 USD) mỗi tháng. Amazon cũng đang thử nghiệm robot giao hàng của riêng mình có tên Scout ở hạt Snohomish, bang Washington (Mỹ), trong khi FedEx đã phát triển robot FedEx SameDay Bot nhằm giúp các nhà bán lẻ giao hàng tận nhà ngay trong ngày cho khách hàng. Robot của FedEx có thể leo cầu thang, mang vác hàng hóa lên tới khoảng 45 kg và di chuyển với tốc độ tối đa 16 km/h.

Theo Chinhphu