Thứ sáu,  20/09/2024

Nuôi gà ri vàng rơm kết hợp đệm lót sinh học: Hướng đi mới giúp nông dân tăng thu nhập

(LSO) – Gà ri vàng rơm phù hợp với điều kiện chăm sóc và môi trường tỉnh Lạng Sơn. Kết hợp chăn nuôi giống gà này trên đệm lót sinh học và thả vườn tạo ra sản phẩm gà thịt thơm ngon, mã đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là hướng chăn nuôi mới phù hợp với nông dân trên địa bàn tỉnh.

Gà ri vàng rơm là giống gà có mã đẹp, toàn thân phủ lớp lông màu vàng rơm, thân hình thanh tú, chóp đôi có điểm lông đen. Khi trưởng thành gà khỏe mạnh, lông vàng sặc sỡ, mào đỏ, dựng đứng, mỏ và chân màu vàng rất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. So với những giống gà khác gà ri vàng rơm có  thịt thơm ngon hơn hẳn, sức đề kháng cao hơn. Chính vì vậy, từ tháng 2 đến tháng 8/2019, Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm (UDPTKHCN&ĐLCLSP), Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn xây dựng mô hình chăn nuôi gà ri vàng rơm kết hợp ứng dụng đệm lót sinh học trong chăm nuôi. Đây là nhiệm vụ xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển nông thôn mới tại một số xã nông thôn mới, khó khăn, biên giới tỉnh Lạng Sơn năm 2019.

Gà ri vàng rơm sau 90 ngày chăm sóc

Anh Nguyễn Khánh Toàn, cán bộ Trung tâm UDPTKHCN&ĐLCLSP cho biết: Trên địa bàn tỉnh, người dân chủ yếu chăn nuôi theo quy mô nhỏ. Chính vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu và xây dựng quy trình chăn nuôi gà ri vàng rơm kết hợp đệm lót sinh học và thả vườn. Cách làm này phù hợp với tập quán sản xuất của người dân lại nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ưu điểm của đệm lót sinh học là sử dụng những nguyên liệu sẵn có như cám ngô, vỏ chấu kết hợp với chế phẩm sinh học trải thành 1 lớp nền trên mặt đất rồi thả gà lên trên. Đệm lót sinh học giúp đàn gà ít bệnh, không bị thối bàn chân, chân què, gà phát triển khỏe mạnh, đồng đều, lông vàng, óng mượt. Triển khai nhiệm vụ, Trung tâm UDPTKHCN & ĐLCLSP đã tiến hành khảo sát và xây dựng 14 mô hình tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới như: xã Vĩnh Yên (Bình Gia), Tú Mịch (Lộc Bình), Thanh Lòa (Cao Lộc). Để các hộ nắm được quy trình trình chăm sóc và tuân thủ, trung tâm đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 90 người về kỹ thuật xử lý chuồng trại bằng chế phầm sinh học và kỹ thuật chăn nuôi gà ri vàng rơm, cách sử dụng thuốc thú y. Bên cạnh tham gia lớp tập huấn, các hộ tham gia mô hình phải đối ứng như: chuồng trại được xây dựng chắc chắn, có mái lợp, mát về mùa hè ấm về mùa đông; chuồng nuôi có diện tích tối thiểu 20 m2 và có khu chăn thả; mỗi hộ có 2 nhân lực có kiến thức về chăn nuôi. Sau khi nghiệm thu, trung tâm đã cấp phát 1.500 con gà ri vàng rơm cho các hộ gia đình với số lượng từ 100 đến 125 con.

Chị Dương Thị Quế, thôn Nà Van, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình cho biết: Tham gia lớp tập huấn, tôi thấy vỡ ra nhiều kiến thức. Trước đây, tôi nuôi theo kinh nghiệm dân gian, không áp dụng khoa học công nghệ nên gà chết nhiều, chậm lớn, hiệu quả kinh tế không cao. Nhờ cán bộ trung tâm hướng dẫn, giải thích, tôi đã biết được nguyên nhân và cách xử lý.

Được trang bị kiến thức và xử lý tốt đệm lót sinh học mà trong quá trình chăn nuôi các hộ chỉ làm đệm lót 1 lần, không phải thay chất độn, do đó giảm tối đa nhân công dọn chuồng so với việc dùng nền xi măng và nền gạch thông thường. Giai đoạn gà được 31 ngày tuổi các hộ bắt đầu cho ăn thức ăn của gà thịt, khi được 60 ngày tuổi tiến hành thả ra vườn để gà quen dần với môi trường sống tự nhiên và kiếm thức ăn. Tuân thủ đúng quy trình chăm sóc nên tỷ lệ sống của gà ri vàng rơm nuôi tại 3 xã ở giai đoạn 90 ngày tuổi là 99%, cao hơn kế hoạch. Khối lượng cơ thể gà cũng tăng đều, đến khi gà đạt 90 ngày tuổi trọng lượng trung bình đạt từ 1,6 đến 1,8 kg. Đây là thời  điểm có thể cho xuất chuồng.

Ông Bàn Văn Thanh, thôn Nà Mần, xã Vĩnh Yên, huyện Bình Gia cho biết: Kết hợp đệm lót sinh học, thả vườn trong chăn nuôi gà ri vàng rơm, gà tăng cân đều, gần như không bị mắc bệnh, mã đẹp, thịt thơm ngon nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Đây chính là yếu tố quyết định để chúng tôi tiếp tục chăn nuôi theo hướng này.

Từ thành công của các mô hình có thể khẳng định: gà ri vàng rơm phù hợp với chế độ độ chăm sóc và điều kiện môi trường tại Lạng Sơn. Không chỉ cho chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp, nuôi gà ri vàng rơm theo hướng an toàn sinh học còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ chăn nuôi. Từ đó, mở ra hướng mới về chăn nuôi cho người dân trên địa bàn tỉnh.

HOÀNG VƯƠNG