Thứ sáu,  20/09/2024
Tín dụng chính sách:

“Cánh cửa” thoát nghèo của người dân

LSO-Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, có 161/226 xã thuộc vùng khó khăn, hơn 83% số hộ trên địa bàn tỉnh thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số, chủ yếu sống ở nông thôn. Bởi vậy, thực hiện tốt công tác giảm nghèo và an sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng mà tỉnh đặt ra trong phát triển kinh tế – xã hội.


Chị Hứa Thị Thanh, thôn Còn Riềng, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan
sử dụng vốn vay phát triển chăn nuôi

Văn Quan là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao với 90% là người dân tộc thiểu số, nhiều xã còn thuộc diện khó khăn, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Hằng năm, bình quân Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Văn Quan cho hơn 2.000 hộ vay vốn; góp phần giúp trên 400 hộ thoát nghèo. Đến nay, tổng dư nợ vốn vay từ NHCSXH huyện là trên 284,5 tỷ đồng với 7.747 hộ đang vay vốn.

Năm 2010, gia đình chị Hứa Thị Thanh, thôn Còn Riềng, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan được vay 15 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư chăn nuôi. Chị Thanh cho biết: Lúc đầu, gia đình tôi nuôi 2 con lợn nái, mỗi năm nuôi 2 – 3 lứa lợn thịt (15 – 20 con/lứa), từ bán lợn gia đình tôi có thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Có vốn, tôi đi các phiên chợ xã, huyện để mua các sản phẩm như: rau, củ, quả… bán giao, bán lẻ tại các chợ lớn ở thành phố. Trung bình, mỗi phiên chợ được lãi 500 – 600 nghìn đồng, giúp trang trải cuộc sống, hiện gia đình đã thoát nghèo.

Không chỉ Văn Quan, với 11 phòng giao dịch tại các huyện, thành phố, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách để giúp các hộ nghèo, hộ chính sách, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp cận vốn vay, phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình đạt trên 2.595 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm 10%. Từ năm 2003 – 2017, chi nhánh đã cho vay trên 286 nghìn lượt khách hàng với doanh số cho vay hơn 6.325 tỷ đồng. Người dân sử dụng vốn vay để đầu tư cho chăn nuôi, trồng rừng, sản xuất kinh doanh…

Để đảm bảo nguồn vốn đến tận tay người thụ hưởng, những năm qua, 4 tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh (hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên) đã tích cực nhận ủy thác đưa vốn đến dân, hiện tổng dư nợ ủy thác trên 2.585 tỷ đồng. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có số dư nợ cao nhất, đạt trên 1.058 tỷ đồng (chiếm 41% tổng dư nợ ủy thác), thành lập được 1.047 tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV) để nguồn vốn đến người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Song song với việc dẫn vốn tín dụng ưu đãi về từng thôn, bản, NHCSXH tỉnh và phòng giao dịch các huyện, thành phố chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng. Năm 2017, toàn chi nhánh đã tổ chức được 194 lớp đào tạo tập huấn nghiệp vụ cho 8.862 người (đạt 100% kế hoạch) gồm đại diện các tổ chức chính trị xã hội (CTXH) nhận ủy thác cấp huyện; thành viên ban đại diện hội đồng quản trị cấp huyện; ban giảm nghèo cấp xã, tổ chức CTXH cấp xã, trưởng thôn, ban quản lý tổ TK&VV. Chi nhánh đã kiểm tra toàn diện với 100% phòng giao dịch các huyện; phối hợp với các tổ chức CTXH kiểm tra sử dụng vốn được 44 lượt huyện, 46 lượt xã, 86 tổ TK&VV. Qua kiểm tra cho thấy các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có ý thức trả nợ, lãi đúng hạn; chỉ ra những mặt làm được, những tồn tại hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ được NHCSXH ủy thác để khắc phục…

Để các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, các tổ chức hội, đoàn thể các cấp đã tuyên truyền, vận động hàng nghìn lượt hội viên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức đưa hội viên đi tham quan các mô hình có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Từ đó giúp hội viên xây dựng các mô hình kinh tế, đưa những cây, con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo và thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, riêng với chương trình cho vay theo Quyết định số 54 và Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ (cho vay vốn đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn), NHCSXH đã cho các hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay 65,4 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ với 8.261 hộ còn dư nợ. Các hộ nghèo được vay vốn mỗi năm có từ 3 đến 4% số hộ thoát nghèo.

KIM HUYÊN