Thứ sáu,  20/09/2024

Cần mô hình tăng trưởng mới giải phóng tiềm năng khu vực ASEAN+3

Khu vực ASEAN+3 hiện đang tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên các nền kinh tế trong khu vực cần tăng cường kết nối, phát triển khu vực dịch vụ, xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng để đáp ứng những yêu cầu của thế giới đang biến chuyển.

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê

Đây chính là những điểm chính, được các diễn giả nhấn mạnh tại Hội thảo “Triển vọng Kinh tế khu vực ASEAN+3: Tăng trưởng bền vững trong một thế giới đang biến chuyển” do Bộ Tài chính Việt Nam và Cơ quan Nghiên cứu vĩ mô các nước ASEAN+3 (AMRO) tổ chức, ngày 25/5, tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, ông Hoe Ee Khor, Chuyên gia kinh tế trưởng của AMRO đã trình bày những kết quả chính của Báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực ASEAN+3 2018  do AMRO thực hiện, vừa được công bố gần đây.

Theo đó, ông Hoe Ee Khor nhấn mạnh do tổng cầu bên ngoài cải thiện, tăng trưởng của khu vực ASEAN+3 dự báo sẽ duy trì ở mức 5,4% năm 2018 và 5,2% vào năm 2019. Đối với Việt Nam, Báo cáo cho rằng triển vọng tăng trưởng ngắn hạn ở mức tích cực với tăng trưởng GDP tăng mạnh ở mức 7,4% vào quý I/2018.

Tuy nhiên, khu vực ASEAN+3 vẫn phải đối mặt với 2 rủi ro ngắn hạn: Điều kiện tài chính toàn cầu có thể bị thắt chặt nhanh hơn dự báo và leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu. Các rủi ro này nếu thành hiện thực sẽ gây tác động bất lợi dưới dạng các luồng vốn bị rút khỏi khu vực, chi phí vốn tăng lên, hoạt động đầu tư và thương mại trong khu vực suy giảm.

Vì vậy, Báo cáo khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần tiếp tục củng cố không gian chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong việc hỗ trợ tăng trưởng, trong khi thắt chặt chính sách an toàn vĩ mô đối với các khu vực tiềm ẩn rủi ro do thăng trưởng tín dụng trước đó có thể giúp ổn định thị trường tài chính.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: “Cái lợi lớn nhất của Việt Nam khi xem xét Báo cáo này là thấy được bối cảnh khu vực ASEAN và 3 nước Đông Bắc Á, là các bạn hàng lớn của chúng ta”.

Ông Nguyễn Đức Thành đánh giá cao phần So sánh quốc tế trong Báo cáo, qua đó thấy được Việt Nam đang ở đâu trong nhóm các nước ASEAN+3; có những rủi ro và cơ hội gì trong mối tương quan đó; đồng thời đưa ra những gợi ý hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách và độc giả quan tâm ở Việt Nam.

Tham gia phiên thảo luận tại Hội thảo, các diễn giả đề cập đến 2 mặt trong sự thành công của khu vực khi áp dụng chiến lược “sản xuất nhằm xuất khẩu”.

Một mặt, các nền kinh tế được hưởng lợi từ hoạt đồng đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến xuất khẩu để phát triển năng lực sản xuất. Cùng với Trung Quốc và các nền kinh tế lớn ở ASEAN, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút FDI, xây dựng khu vực sản xuất cạnh tranh, tạo công ăn việc làm, tăng năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, chiến lược này đang đứng trước thách thức của bảo hộ thương mại, những thay đổi trong các chuỗi giá trị toàn cầu, cho phép các nước sản xuất nguyên liệu đầu vào ngay tại thị trường sở tại, thay vì phải nhập khẩu. Bên cạnh đó là những xu hướng mới về công nghệ và sản xuất.

Theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Công nghệ vừa đặt ra những thách thức nhưng cũng tạo cơ hội mới cho hoạt động sản xuất”.

Công nghệ với tăng cường hiện đại hóa có thể khiến nhiều nhân công mất việc, nhưng cũng thúc đẩy sự trỗi dậy của khu vực dịch vụ với vai trò là “cỗ máy tiềm năng” thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm trong tương lai.

Theo ông Hoe Ee Khor: “Để thích ứng với một thế giới đang chuyển biến mạnh mẽ, Việt Nam và các nền kinh tế khác của khu vực Đông Á cần tăng cường kết nối và hội nhập khu vực để hưởng lợi từ tăng trưởng cầu nội khối và củng cố khả năng chống đỡ trước các cú sốc bên ngoài. Đồng thời cần đặt mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thông qua đa dạng hóa các động lực tăng trưởng, trong đó có phát triển khu vực dịch vụ”.

Bên cạnh đó, các chính sách về phát triển lực lượng lao động và nhập cư phù hợp cùng cần được quan tâm, chú trọng.

Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô các nước ASEAN+3 (AMRO) là một tổ chức quốc tế được thành lập nhằm góp phần bảo đảm ổn định kinh tế và tài chính của khu vực ASEAN+3, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc (bao gồm Hongkong), Nhật Bản và Hàn Quốc. Chức năng của AMRO là tiến hành giám sát kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM) và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước thành viên.
Theo baochinhphu