Thứ sáu,  20/09/2024

Tập trung mọi nguồn lực bảo đảm mục tiêu tăng trưởng

Tăng trưởng kinh tế quý I-2019 đạt 6,79%. Đây là mức tăng trưởng thấp so cùng kỳ năm 2018 và nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khiến nhiệm vụ duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao trở nên hết sức nặng nề. Phóng viên Báo Nhân Dân đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia kinh tế về những giải pháp cần tập trung triển khai để bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% đã đề ra cho cả năm 2019.

Tập trung mọi nguồn lực bảo đảm mục tiêu tăng trưởng

Thứ trưởng Công thương ĐỖ THẮNG HẢI:

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy xuất khẩu

Hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý I có xu hướng tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng bởi những diễn biến kém tích cực của nền kinh tế thế giới. Tính chung trong cả quý, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% và thấp hơn nhiều so mức tăng 22% của cùng kỳ năm trước. Để phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 8 đến 10% trong năm nay, Bộ Công thương đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương để phối hợp đánh giá nguyên nhân suy giảm tăng trưởng xuất khẩu trong quý I cũng như đưa ra dự báo xu hướng tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu cho cả năm; đồng thời, tổ chức các đoàn đi làm việc trực tiếp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát biến động tình hình thế giới, nhất là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc để chủ động trong công tác điều hành; có biện pháp thúc đẩy những mặt hàng có khả năng tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu; tăng cường quản lý chặt chẽ nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.

Mặt khác, rà soát và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động xuất khẩu, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để đề xuất phương hướng chỉnh sửa, bổ sung phù hợp. Bộ Công thương cũng sẽ tập trung triển khai Chương trình hành động thực thi Hiệp định CPTPP, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ các DN, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận thị trường, chuẩn bị thủ tục, nguồn hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thương vụ ở nước ngoài tăng cường sự chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu để giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và DN có phản ứng kịp thời. Ngoài ra, đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam với thị trường toàn cầu; hình thành các trung tâm logistics ở nước ngoài làm đầu cầu tập kết và phân phối hàng hóa Việt Nam đến các thị trường quốc tế.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư PHAN ĐỨC HIẾU:

Cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp

Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến nhóm giải pháp đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp (DN) phát triển. Đây là giải pháp không mới, đã được thực hiện liên tiếp kể từ khi có Nghị quyết 19 năm 2014 đến nay nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn vì mới chỉ thực hiện được ở mức đạt và cận đạt so mục tiêu đề ra.

Các bộ, ngành, địa phương cần tạo đột phá trong thực thi nhiệm vụ cắt giảm thực chất ĐKKD, cải cách TTHC để có kết quả cao hơn. Điều này đòi hỏi sự chủ động, tích cực, quyết liệt của tất cả cán bộ, công chức có liên quan và đặc biệt là sự quyết tâm của người đứng đầu. Dư địa chính sách còn nhiều song cần tập trung vào nhiệm vụ cắt giảm chi phí kinh doanh cho DN, cụ thể là cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Về nội dung này, Chính phủ đã có Nghị quyết 139/NQ-CP năm 2018 nhưng cần thực hiện với tinh thần đột phá để có kết quả thực chất trong năm bản lề 2019. Vì tổng chi phí tuân thủ pháp luật bao gồm thuế, phí và các TTHC của DN Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận và cao hơn nhiều so các nước trong khu vực. Đây là khoản phí do các quy định của pháp luật tạo ra, nếu được cắt giảm thông qua sửa đổi các quy định của pháp luật thì sẽ giúp DN giảm được thời gian làm thủ tục, tăng cơ hội kinh doanh, trực tiếp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và gia tăng lợi nhuận. Đây là các phần việc phải làm ngay trong năm nay, để cùng với các kế hoạch cắt giảm ĐKKD, TTHC trong các Nghị quyết 01 và 02, chi phí hoạt động của DN phải giảm thật sự.

Chuyên gia kinh tế CẤN VĂN LỰC:

Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô

Năm 2019, kinh tế Việt Nam có một số thuận lợi nhưng cũng rất nhiều khó khăn. Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cao, Chính phủ cần chỉ đạo tập trung vào sáu động lực thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể: Có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu của lĩnh vực nông nghiệp vì tăng trưởng trong lĩnh vực này đang chậm lại. Trong đó, quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Tận dụng các hiệp định thương mại tự do để đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, giảm nhập siêu. Quyết tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo vì đây vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng, bám sát theo dõi hoạt động của các dự án lớn như Formosa, Samsung, lọc hóa dầu Bình Sơn, Nghi Sơn để tháo gỡ khó khăn kịp thời. Thúc đẩy phát triển dịch vụ, nhất là các ngành chủ lực như bán buôn bán lẻ, công nghệ thông tin, viễn thông, du lịch, logistics, dịch vụ tài chính ngân hàng. Kiên quyết đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường kinh doanh.

Đặc biệt, phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, cần có sự phối hợp tốt hơn nữa trong công tác điều hành giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và giá cả. Đối với giá dịch vụ công do Nhà nước quản lý, cần tính toán lộ trình để quyết định thời điểm và mức tăng giá phù hợp, tránh tăng dồn dập cùng lúc hoặc tăng quá nhiều. Năm nay, rõ ràng áp lực tăng lạm phát đã rất lớn do tăng giá hàng loạt mặt hàng như điện, xăng dầu và tăng lương cơ bản, tăng thuế bảo vệ môi trường… Cho nên, những mặt hàng sẽ tăng giá theo lộ trình như giáo dục, y tế phải có mức độ và thời điểm tăng giá phù hợp. Chú trọng đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế để vừa tạo động lực tăng trưởng cho năm nay và cũng là bước đệm cho lâu dài. Đồng thời, chú ý tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, cụ thể là xây dựng chiến lược phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động. Đây chính là nền tảng lâu dài cho tăng trưởng.

Theo Nhandan