Thứ sáu,  20/09/2024
Vật liệu xây dựng:

Tiết giảm chi phí sản xuất, tránh tăng giá theo điện, xăng

LSO-Trong tháng 3 và tháng 4/2019, giá điện, xăng được liên bộ Tài Chính – Công thương điều chỉnh tăng, khiến các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh buộc phải tính toán điều chỉnh tăng giá.


Sản xuất đá xây dựng tại mỏ đá của Công ty Cổ phần ACC 78
xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng

Ông Trần Trọng Khôi, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Giang Sơn có địa chỉ tại thôn Tềnh Chè, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc cho biết: Hiện tại mỏ đá Giang Sơn, để sản xuất một khối đá xây dựng doanh nghiệp phải tiêu thụ hết 4 kWh điện và 1,2 lít dầu, nếu trước đây, giá dầu ổn định ở mức 15,3 nghìn đồng/lít và giá điện là 1.400 đồng/kWh thì riêng chi phí về điện và dầu để sản xuất 1 khối đá đã vào khoảng 23 nghìn đồng. Hiện giá dầu tiếp tục tăng lên hơn 17 nghìn đồng/lít và giá điện tăng thêm 7% so với giá cũ, cụ thể với giá bán lẻ giao động từ 1.536 đồng đến 1.685 đồng/kWh, buộc doanh nghiệp phải tính toán lại chi phí đầu vào, điều chỉnh giá sản xuất đá xây dựng để bù chi phí tăng. Từ hơn 1 tháng nay, chi phí điện, xăng, công ty phải trả tăng thêm khoảng 90 triệu đồng/tháng cho mảng khai thác đá xây dựng tại mỏ đá Giang Sơn.

Ông Khôi cho biết thêm: Công ty đang thực hiện khảo sát lại nhu cầu thị trường để điều chỉnh giá đá và một số sản phẩm khác của công ty cho phù hợp với thực tế.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh có gần 50 mỏ khai thác đá đang hoạt động của các doanh nghiệp tập trung ở các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Bình Gia và Tràng Định. Qua tìm hiểu tại các chủ mỏ, hầu hết các doanh nghiệp đang tính toán điều chỉnh tăng giá đá xây dựng để bù đắp lại chi phí nguyên liệu đầu vào. Khi được hỏi cụ thể về dự kiến tỷ lệ tăng là bao nhiêu, các doanh nghiệp đều chưa đưa ra con số cụ thể.

Đối với lĩnh vực sản xuất xi măng và gạch xây tuynel, mặc dù 2 sản phẩm này đang cạnh tranh khốc liệt về giá với các sản phẩm cùng loại đến từ các tỉnh khác, nhưng các doanh nghiệp của Lạng Sơn cũng đang phải tính tới điều chỉnh giá. Theo công bố giá vật liệu xây dựng tháng 3/2019 của Sở Xây dựng, hiện giá xi măng do các cơ sở sản xuất của tỉnh cung cấp ra thị trường chưa tăng so với tháng trước đó. Tuy nhiên, khi tham khảo thực tế tại thị trường, hiện giá xi măng của các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất bán trên thị trường đã điều chỉnh tăng khoảng 25 nghìn đồng/tấn.


Cung ứng thép xây dựng tại đại lý thép Nguyễn Trung
phường Đông Kinh thành phố Lạng Sơn

Về chủng loại đối với các loại thép xây dựng, tại các đại lý lớn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã điều chỉnh tăng khoảng 200 đồng/kg. Cụ thể như sản phẩm thép tròn, thép hình phục vụ nhu cầu xây dựng của thương hiệu thép Thái Nguyên tăng từ 14.300 đồng/kg lên 14.500 đồng/kg, mức điều chỉnh tăng bắt đầu từ đầu tháng 4/2019 đến nay.

Ông Hà Quang Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thuận Thiên, thành phố Lạng Sơn – doanh nghiệp kinh doanh vật tư xây dựng và tham gia xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh cho biết: Trong hơn 1 tháng nay, tất cả các mặt hàng vật tư, vật liệu phục vụ xây dựng đều tăng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nghĩa vụ thực hiện các hợp đồng xây dựng của doanh nghiệp với các chủ đầu tư đã ký kết trước đó. Vì vậy, để giữ uy tín với các chủ đầu tư, doanh nghiệp phải áp dụng nhiều biện pháp để tiết kiệm nhằm bù đắp lại chi phí.

Tuy nhiên đó chỉ là những biện pháp trước mắt, bởi nếu tăng giá, sản phẩm sẽ không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, doanh nghiệp sẽ mất thị phần. Về lâu dài, việc nghiên cứu, thay đổi công nghệ và tổ chức lại sản xuất để tiết giảm chi phí đầu vào là một trong những giải pháp tối ưu đối với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn.

CÔNG QUÂN