Thứ sáu,  20/09/2024

Sản xuất công nghiệp: Vượt khó vươn lên

(LSO) – Mặc dù không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực công nghiệp nhưng bằng nhiều giải pháp đồng bộ của tỉnh, sự nỗ lực của doanh nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh liên tục tăng trong trong những năm gần đây, một số ngành mũi nhọn đã đạt được thành quả đáng kể.

     Khai thác lợi thế

Khai thác lợi thế về đồi rừng, tỉnh đã chủ trương phát triển lĩnh vực công nghiệp khai thác và chế biến lâm sản, xây dựng quy hoạch phát triển chuỗi giá trị các ngành hàng sản phẩm chủ lực như: cây hồi với diện tích 34.000 ha; keo và bạch đàn 25.000 ha – 30.000 ha… Qua đó tạo các vùng nguyên liệu dồi dào để cung cấp cho các nhà máy chế biến sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao như: tinh dầu hồi, ván gỗ ép, bột gỗ…

Với vùng nguyên liệu gỗ lớn như vậy, hiện đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị hiện đại với quy mô lớn để chế biến lâm sản như: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Chế biến nông lâm sản Lạng Sơn; Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Bắc Việt; Công ty TNHH Lâm sản Woodman… Cùng với đó là hàng trăm cơ sở sản xuất, chế biến quy mô vừa và nhỏ tại các huyện có vùng nguyên liệu lớn như: Hữu Lũng, Lộc Bình và Đình Lập.

Sản xuất ván gỗ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Bắc Việt

Không chỉ tập trung vào phát triển lĩnh vực chế biến lâm sản, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất công nghiệp mũi nhọn. Theo đó, hiện tại có hơn 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có một số doanh nghiệp quy mô lớn luôn duy trì sản xuất ổn định, có thời điểm còn vượt công suất thiết kế như Công ty Cổ phần xi măng Đồng Bành; lĩnh vực sản xuất điện năng đã có thêm một số nhà máy đi vào khai thác như: Thủy điện Bắc Khê I, Thủy điện Thác Xăng. Tổ hợp than – nhiệt điện Na Dương duy trì hoạt động hiệu quả và đang đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng nhà máy Nhiệt điện Na Dương giai đoạn II.

     Không ngừng tăng trưởng

Hiệu quả tích cực trong việc khai thác lợi thế, những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn duy trì sự tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 9,2% so với năm 2017. Trong đó, các sản phẩm mũi nhọn đều có sự tăng trưởng khá như: điện sản xuất tăng 6,1%; xi măng tăng 3,1%; ván bóc và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng tăng 20,5%; đá xây dựng các loại tăng 15,5%… Trong quý I/2019, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,2% so với cùng kỳ và các sản phẩm chủ lực đều tăng cao.

Theo đánh giá của ngành công thương, mặc dù tỉnh không có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nhưng kết quả sản xuất hàng năm luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định do tỉnh đã định hướng đúng lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, hiện đại hoá công nghệ theo hướng đầu tư công nghệ tiên tiến, lựa chọn công nghệ phù hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp về thị trường, khai thác lĩnh vực thế mạnh của tỉnh để nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định được thương hiệu sản phẩm.

Ông Đinh Kỳ Giang, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, trong đó tập trung xây dựng, ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp với mức ưu đãi hỗ trợ cao nhất về vốn, mặt bằng xây dựng, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thẩm định dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đặc biệt, tỉnh sẽ tạo môi trường thuận lợi, cơ chế hợp lý để thu hút các nhà đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp đã quy hoạch như: cụm công nghiệp Hữu Lũng, Hợp Thành, Quảng Lạc.

Trên tinh thần đó, tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2019 giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 10 đến 12% so với năm 2018 và duy trì mức tăng trưởng ổn định đối với các sản phẩm chủ lực.

ANH DŨNG