Thứ sáu,  20/09/2024

Khẳng định giá trị hàng Việt với người tiêu dùng

(LSO) – Sau hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giờ đây, hàng Việt đã chiếm ưu thế trên thị trường, khẳng định được thương hiệu và giá trị với người tiêu dùng từ thành thị tới nông thôn.

   Hiệu quả xúc tiến thương mại

Để phát triển thị trường cho các sản phẩm hàng Việt, từ năm 2011, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại với mục tiêu thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, khẳng định giá trị hàng việt với người tiêu dùng, nhất là khu vực nông thôn.

Theo đó, từ năm 2011 đến nay, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thành công 71 hội chợ thương mại và 28 hội chợ triển lãm với 3.800 lượt doanh nghiệp tham gia và trên 7.000 gian hàng trưng bày sản phẩm. Trong đó, yêu cầu số gian hàng Việt chiếm từ 70% trở lên tại mỗi hội chợ đã thu hút trên 1,5 triệu lượt người tới tham quan mua sắm.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị Vinmart

Đồng thời, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức 35 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn 210 nghìn lượt người tham gia mua sắm hàng hóa. Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Các phiên chợ ngày càng nhận được sự quan tâm của người dân nông thôn, sản phẩm hàng Việt được tiêu thụ mạnh, trong đó có nhiều sản phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh. Doanh số bán bình quân mỗi phiên đạt trên 1,5 tỷ đồng.

Đồng thời, tại các huyện, thành phố đã hình thành được 25 đại lý bán lẻ hàng Việt. Giờ đây, người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận trên 95% mặt hàng trong tổng số 100.000 mặt hàng sản xuất trong nước. Qua đó, việc tiêu dùng hàng Việt đã như một thói quen với người dân mỗi khi lựa chọn mua sắm.

   Khẳng định giá trị tiêu dùng

Theo thống kê của ngành công thương, sau 10 năm thực hiện cuộc vận động, hơn 80% người tiêu dùng Lạng Sơn đã có tâm lý “sính” hàng nội và hàng Việt đã chiếm lĩnh hơn 85% thị trường. Điều này được minh chứng qua kế hoạch phân phối và kết quả kinh doanh các doanh nghiệp lớn của tỉnh. Như Công ty Cổ phần thương mại Hoàng Nguyên – đơn vị phân phối hàng tiêu dùng lớn nhất của tỉnh, có hệ thống bán lẻ đến tất cả các vùng nông thôn tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn kinh doanh 100% hàng sản xuất trong nước.

Ông Lê Công Được, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên cho biết: Từ quá trình khảo sát thị trường, công ty nhận định, giờ đây, người dân chủ yếu tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, do vậy, từ 5 năm nay, chúng tôi kinh doanh 100% hàng nội địa, số lượng hàng nhập ngày một tăng, từ quy mô tăng từ khoảng 30 tỷ đồng tiền hàng năm 2015, đến nay đã đã lên hơn 100 tỷ đồng.

Không chỉ các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, mà các siêu thị lớn như Vinmart cũng chủ trương kinh doanh hàng Việt. Trên kệ hàng của siêu thị có đến hơn 90% sản phẩm nội địa, chỉ có một số ít sản phẩm nhập khẩu từ các nước phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản… Và người tiêu dùng khi đến siêu thị mua sắm đa số lựa chọn hàng thương hiệu Việt. Chị Nông Thị Quỳnh Anh, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Gia đình tôi thường xuyên mua sắm tại siêu thị và chỉ mua hàng sản xuất trong nước, nhất là những mặt hàng thực phẩm, chúng tôi thấy chất lượng hàng nội địa giờ không thua kém gì hàng nhập khẩu mà giá cả lại hợp lý.”

Một điểm nổi bật trong việc khẳng định giá trị hàng Việt trên địa bàn tỉnh, đó là đã có những sản phẩm được sản xuất 100% tại Lạng Sơn được công nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao hay vào tốp các sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường và xuất khẩu thành công sang thị trường các nước trong khu vực như: bánh quy bơ Jessica của Công ty TNHH Thành Long; chè Ô Long của Công ty Cổ phần Chè Thái Bình… Điều này cho thấy các thương hiệu nội địa đã dần phát triển.

Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Đến nay, người tiêu dùng Lạng Sơn đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tại các vùng nông thôn, người dân đã tin tưởng dùng hàng sản xuất trong nước. Tới đây, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khích lệ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh xây dựng, khẳng định giá trị thương hiệu Việt.

YÊN SƠN