Thứ sáu,  20/09/2024

Hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi ruồi lính đen chăn gà thả vườn

(LSO) – Với những ưu điểm như: kỹ thuật đơn giản, tiết kiệm chi phí, đặc biệt ruồi lính đen là loài côn trùng có nhiều lợi ích với môi trường…, ông Lương Văn Thắng, thôn Lân Bông, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã thực hiện thành công mô hình nuôi ruồi lấy trứng nuôi gà. Qua đó, góp phần giảm chi phí, tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ chịu khó học hỏi, tìm hiểu những mô hình kinh tế mới, ông Thắng biết đến mô hình nuôi ruồi lính đen qua mạng Internet. Từ đó, ông nghiên cứu áp dụng thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn kết hợp nuôi ruồi lính đen. Ông Thắng chia sẻ: “Bắt đầu từ tháng 2/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải giãn cách xã hội nên tôi có nhiều thời gian rảnh để tìm hiểu các mô hình làm ăn trên mạng. Thấy mô hình nuôi ruồi lấy trứng, ủ trứng thành ấu trùng để chăn nuôi gà rất hay, vì tôi nghĩ chăn gà bằng ấu trùng ruồi lính đen cũng như gà được chăn bằng giun quế sẽ phát triển nhanh, chất lượng thịt thơm ngon hơn”.

Ông Lương Văn Thắng sử dụng cám viên tự ép từ ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn chăn gà

Nghĩ là làm, ông Thắng quyết định tìm hiểu thông tin, nguồn cung cấp trứng ruồi lính đen để tự ủ trứng thành ruồi. Ban đầu, ông đặt mua 100g trứng qua mạng với giá 1,4 triệu đồng để nuôi thử, do chưa có kinh nghiệm nên ông gặp thất bại từ lần nuôi đầu tiên vì tỉ lệ trứng nở thành con thấp. Không nản chí, ông tiếp tục học hỏi, sau 3 lần thử nghiệm, hiện nay, ông đã thành công với mô hình. Để phát triển mô hình, khu chuồng nuôi lợn cũ được ông Thắng tận dụng nuôi ruồi lính đen. Với diện tích rộng, ông Thắng chia ra thành 20 ô để ấp trứng ruồi, nuôi ấu trùng và nhộng, ruồi trưởng thành được nuôi riêng ra một góc vườn và quây kín bằng màn để ruồi đẻ trứng.

Theo ông Thắng, thức ăn của ruồi lính đen rất đa dạng, có thể tận dụng các loại phế phẩm trong nông nghiệp như: bã đậu, các loại rau, củ, quả hỏng, xác động vật… Vòng đời của ruồi lính đen từ 40 đến 45 ngày. Theo đó, ruồi trưởng thành có kích thước từ 10 mm đến 15 mm, chúng thường chọn chỗ ẩm ướt để đẻ trứng, sau đó, trứng ruồi nở thành ấu trùng rồi phát triển thành nhộng rồi lột xác thành ruồi. Ấu trùng của ruồi lính đen ăn tất cả các chất thải hữu cơ trước khi phân hủy nên không gây ô nhiễm môi trường và ấu trùng được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi rất giàu chất dinh dưỡng.

Tận dụng diện tích trồng cây ăn quả xung quanh nhà với hơn 15.000 m2, hiện ông Thắng nuôi hơn 3.000 con gà thả vườn để nâng cao thu nhập. Trung bình mỗi ngày, ông thu được khoảng 20 đến 30 kg ấu trùng để chăn gà. Ngoài ra, ông đầu tư máy ép cám viên sử dụng ấu trùng ruồi lính đen và ngô, thóc, các loại cây thảo dược trên rừng để ép thành cám chăn nuôi gà mỗi ngày. Ông Thắng cho biết: “Sử dụng cám viên tự làm giúp gia đình tôi tiết kiệm khoảng 50% chi phí so với mua cám công nghiệp, đồng thời gà phát triển nhanh, sức đề kháng tốt, thịt thơm ngon. Từ khi nuôi đến nay, tôi đã xuất bán được trên 1.000 con gà, đem lại thu nhập trên 70 triệu đồng”.

Ông Vũ Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chi Lăng cho biết: Mô hình nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng chăn gà của ông Thắng là mô hình đầu tiên ở thị trấn. Với hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều người đến đã đến nhà ông Thắng tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, thẩm định, đánh giá về mặt khoa học kỹ thuật của mô hình để chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nhân rộng cách làm này nhằm tận dụng điều kiện sẵn có chăn nuôi gà, góp phần tạo ra sản phẩm sạch, đem lại thu nhập cao cho người dân.

KIM HUYÊN – NGỌC MAI