Thứ sáu,  20/09/2024

Bình Gia: Hiệu quả từ dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”

– Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo của huyện Bình Gia đã được hỗ trợ cây, con giống từ dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện (từ năm 2018 đến nay), dự án đã phát huy hiệu quả, bước đầu giúp các hộ dân có thu nhập, tạo hướng phát triển kinh tế, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Là một trong những hộ được lựa chọn tham gia dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”, năm 2019, gia đình anh Hoàng Công Ngọc, thôn Bản Huấn, xã Hồng Thái được hỗ trợ 15 triệu đồng, cùng với vốn đối ứng, anh mua 1 con bò giống để chăn nuôi.

Anh Ngọc cho biết: Khi tham gia dự án, tôi được hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật để phát triển chăn nuôi. Nhận thấy tiềm năng phát triển, đầu năm 2020, tôi mua thêm một con bò để chăn thả. Sau hơn 2 năm, đến nay, bò đã sinh sản, tăng đàn lên 3 con. Tháng 8/2021, tôi xuất bán 1 con bò với giá trên 27 triệu đồng. Nhờ đó, tôi có vốn đầu tư trồng 4 sào cỏ voi và mua thêm 1 con bò để chăn nuôi. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo.

Người dân thôn Bản Huấn, xã Hồng Thái chăm sóc đàn bò được hỗ trợ từ dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”

Ông Lương Hoàng Đựng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Quá trình triển khai thực hiện dự án, xã đã rà soát, lựa chọn các gia đình thực sự cần, đúng đối tượng theo quy định để đề xuất với huyện hỗ trợ. Theo đó, 55 hộ nhận hỗ trợ từ dự án (năm 2019 hỗ trợ 27 hộ, 2020 hỗ trợ 28 hộ), mỗi gia đình được nhận 1 con bò giống sinh sản để chăn nuôi (trong đó, Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ, còn lại là người dân đối ứng). Với nguồn thức ăn dồi dào, có bãi chăn thả, đến nay, mô hình chăn nuôi bò sinh sản đã mang lại hiệu quả tốt. Từ 55 con bò giống hỗ trợ ban đầu, đến nay, tổng đàn đã tăng lên 61 con, nhiều gia đình đã xuất bán bò, bước đầu có thu nhập. Nhờ đó, đã có 23/55 hộ nhận hỗ trợ vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 11,9% năm 2020 (giảm 30,5% so với năm 2018).

Tương tự, thực hiện dự án trên, từ cuối năm 2019, 24 hộ nghèo, cận nghèo của xã Hồng Phong được hỗ trợ trên 500 kg cá trắm giống để chăn thả. Nhờ lợi thế nguồn nước mặt khu vực lòng hồ thủy điện cùng với việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, đến nay, 24 lồng cá trắm đang phát triển tốt. Từ đầu năm 2021, nhiều hộ gia đình đã bắt đầu chọn lọc xuất bán cá với giá 80 nghìn đồng/kg, nhờ đó, bước đầu mang lại thu nhập, giúp 10/24 hộ nhận hỗ trợ từ dự án thoát nghèo.

Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được ngân sách Nhà nước bố trí vốn hằng năm. Từ năm 2018 đến hết năm 2020, tại Bình Gia đã có 388 hộ nghèo, cận nghèo của 12 xã được hỗ trợ cây, con giống (trâu, bò, cà gai leo…) với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng từ dự án (Nhà nước hỗ trợ 3,8 tỷ đồng, người dân đối ứng hơn 2,2 tỷ đồng) để phát triển kinh tế. Qua hơn 3 năm triển khai, các mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo sinh kế, bước đầu mang lại thu nhập cho các hộ tham gia, qua đó, giúp 178/388 hộ được nhận hỗ trợ thoát nghèo.

Ông Triệu Huy Hùng, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và xã hội – Dân tộc huyện Bình Gia cho biết: Quá trình triển khai, thực hiện dự án, phòng thường xuyên phối hợp với các phòng chuyên môn huyện, các xã kiểm tra tình hình phát triển của các mô hình được hỗ trợ từ dự án; tổ chức 8 lớp tập huấn với trên 300 lượt người tham gia, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, nhờ đó, đàn vật nuôi khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Dự án đã góp phần tạo sinh kế, giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức trong phát triển kinh tế, biết ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, hướng đến giảm nghèo bền vững.

Với việc thực hiện tích cực, đúng đối tượng thụ hưởng, dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” đã mang lại những hiệu quả thiết thực, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 16,2% năm 2020 (giảm 30,1% so với năm 2016). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 36 triệu đồng/người/năm (tăng 1,6 lần so với năm 2016)

LIỄU CHANG