Thứ sáu,  20/09/2024
Cao Lộc

Nhân rộng mô hình trồng cây dẻ

– Dẻ là loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Cao Lộc. Nhận thấy tiềm năng phát triển và hiệu quả kinh tế đem lại, thời gian qua, huyện Cao Lộc đã tuyên truyền, vận động, định hướng người dân trên địa bàn chuyển đổi một số diện tích vườn đồi sang trồng cây dẻ, góp phần nâng cao thu nhập.


Người dân xã Thanh Lòa thu hoạch hạt dẻ

Những ngày đầu tháng 9/2022, người dân xã Thanh Lòa bước vào chính vụ thu hoạch hạt dẻ. Bà Hứa Thị Vụ, thôn Co Khuất cho biết: Gia đình tôi trồng dẻ từ năm 2008, ban đầu chỉ trồng khoảng 250 gốc, thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, sau 3 năm trồng bắt đầu bói quả và cho thu hoạch, giá trị kinh tế cao nên gia đình tôi mở rộng dần diện tích. Đến nay, gia đình đã trồng được 1 ha, trung bình mỗi năm, gia đình thu hoạch được khoảng 8 tạ đến 1 tấn hạt dẻ, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Tìm hiểu được biết, Thanh Lòa là xã đầu tiên của huyện Cao Lộc trồng cây dẻ từ năm 2008, với diện tích ban đầu khoảng 4 ha. Ông Lý Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Thanh Lòa cho biết: Nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại, hằng năm xã tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích, đến nay, toàn xã đã có 15 ha dẻ, với khoảng 50 hộ trồng, sản lượng hằng năm đạt khoảng 3,5 tấn. Từ đó, nhiều hộ đã có thu nhập 80  -100 triệu đồng/năm.

Từ hiệu quả kinh tế của mô hình, người dân các xã khác cũng chủ động đưa cây dẻ vào trồng. Hiện nay, diện tích cây dẻ của toàn huyện có khoảng 26 ha, trong đó, 10 ha đang cho thu hoạch, tập trung ở các xã như: Thạch Đạn, Lộc Yên, Hải Yến. Sản lượng dẻ hàng năm toàn huyện đạt từ 50 đến 60 tấn.

Được biết, cây dẻ được người dân đưa vào trồng là cây dẻ ván có nguồn gốc từ huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đây là loại cây có khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên, phát triển tốt ở vùng có khung nhiệt độ 8 – 22 độ C, sau khi trồng từ 3 – 5 năm là cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 10 kg/cây, những cây to có thể cho thu hoạch khoảng 20 kg/cây.

Để giúp người dân có kiến thức áp dụng vào sản xuất, hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện đều quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Theo đó, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với ngành chức năng, UBND các xã tổ chức 1 – 2 lớp về trồng, chăm sóc cây dẻ. Năm 2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai thực hiện mô hình “Trồng và chăm sóc cây dẻ” tại thôn Co Khuất, xã Thanh Lòa với 11 hộ tham gia. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng. Sau một năm triển khai, hiện cây sinh trưởng phát triển tốt (tỷ lệ sống đạt 95%), từ hiệu quả của mô hình, năm 2022, người dân trong xã đã tự mua giống về trồng với diện tích trên 2 ha. Cùng đó, năm 2021, người dân xã Thanh Lòa thực hiện mô hình chăm sóc cây dẻ theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5,8 ha.

Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Từ hiệu quả kinh tế của cây dẻ, chúng tôi đã tuyên truyền người dân mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong năm 2021, huyện đã hỗ trợ giống, phân bón để người dân xã Thanh Lòa trồng mới 5 ha cây dẻ. Huyện xác định đây là một trong những cây trồng chủ lực, hướng đến hình thành vùng trồng tại 3 xã Thanh Lòa, Lộc Yên, Thạch Đạn, mục tiêu dự kiến đến năm 2025 phát triển vùng trồng lên khoảng 100 ha. Hiện nay, phòng phối hợp với UBND xã Thanh Lòa xây dựng sản phẩm hạt dẻ của Hợp tác xã Nông sản Thanh Lòa đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), từ đó, góp phần mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững cho bà con.

Cùng với sự chủ động của người dân, sự quan tâm của các cấp, ngành, tin tưởng rằng sản phẩm hạt dẻ của huyện sẽ ngày càng nâng cao giá trị, từ đó, giúp cây trồng trở thành cây chủ lực, tạo nguồn thu nhập cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện.

KIM HUYÊN