Thứ năm,  19/09/2024

Vượt khó xây dựng quê hương

Những năm qua, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” ở tỉnh Bắc Giang đã tạo nên sức lan tỏa, khích lệ hàng nghìn hộ hội viên phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Người dân chọn mua cây cảnh mini tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ hoa, rau sạch xã Dĩnh Trì
Người dân chọn mua cây cảnh mini tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ hoa, rau sạch xã Dĩnh Trì

Đến thăm Hợp tác xã dịch vụ hoa, rau sạch xã Dĩnh Trì trong những ngày cao điểm chuẩn bị sản phẩm đón Tết Nguyên đán mới thấy hết không khí lao động khẩn trương, phấn khởi của những con người nơi đây. Cánh đồng xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang rộng gần 30ha được Nhà nước đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng hạ tầng đường, điện giờ đây đã tràn ngập muôn vàn sắc hoa cùng vô vàn cây tiểu cảnh đẹp mắt. Hợp tác xã dịch vụ hoa, rau sạch xã Dĩnh Trì với hơn 8.000m2 nhà lưới là trung tâm sản xuất hoa, cây cảnh hàng đầu của thành phố Bắc Giang. Nơi đây cũng chính là ngôi nhà chung của sáu cựu chiến binh cùng nhau phát triển kinh tế.

Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, cựu chiến binh Nguyễn Văn Lạng, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, từ năm 2003 anh là người tiên phong trong xã mạnh dạn đưa các giống hoa, cây cảnh về cánh đồng này trồng khởi nghiệp. Anh Lạng đã vận động, hướng dẫn các cựu chiến binh trong thôn, trong xã chuyển đổi mô hình cây trồng trên chính những mảnh vườn của gia đình. Những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế tỉnh Bắc Giang, các mặt hàng hoa, cây cảnh cũng ngày càng phát triển.

Năm 2019, anh Lạng cùng các cựu chiến binh thành lập Hợp tác xã, đến nay tất cả các thành viên trong Hợp tác xã đều có kinh tế khá giả, ổn định. Các gia đình cựu chiến binh khác trong xã đều được Hợp tác xã quan tâm hướng dẫn, phối hợp giúp về cây giống, kỹ thuật cũng như liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm giúp các hộ có thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác trên chính mảnh vườn của gia đình mình.

Hợp tác xã dịch vụ hoa, rau sạch xã Dĩnh Trì chỉ là đơn cử trong hàng nghìn mô hình làm kinh tế thành công của hơn 116 nghìn hội viên cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế ở Bắc Giang. Cùng với đó, địa phương còn phát triển hàng loạt các mô hình kinh tế như mô hình (5+1), (7+1), (10+1) – Nghĩa là từ 5-7 hoặc 10 hộ cựu chiến binh có điều kiện, kinh tế khá giúp đỡ một hộ cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, trở thành hộ trung bình và khá, bằng cách giúp về cây, con giống, kinh nghiệm chăm sóc, gieo trồng, chăn nuôi…; mô hình góp vốn xoay vòng được thực hiện ở các hợp tác xã và tổ hợp tác huy động hội viên cùng các thành viên trong hợp tác xã, tổ hợp tác góp vốn để sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm quyền lợi cho người lao động và các thành viên. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 150 mô hình cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, giúp đỡ được 235 hộ hội viên thoát nghèo, trong đó có 152 hộ vươn lên có thu nhập khá và giàu, đời sống tinh thần, vật chất được cải thiện.

Cùng với sự vươn lên mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của tỉnh, nhiều hội viên cựu chiến binh đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi từ mô hình làm kinh tế nhỏ lẻ, chuyển sang thành lập các mô hình sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn hơn, quản trị hiện đại, phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, tham gia có hiệu quả vào nền kinh tế thị trường. Các cựu chiến binh đã vươn lên làm chủ nhiều mô hình phát triển kinh tế như: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, kinh tế hộ gia đình kinh doanh dịch vụ…

Chỉ tính riêng mô hình doanh nghiệp, hiện toàn tỉnh đã có 237 doanh nghiệp nhỏ và vừa do cựu chiến binh làm chủ, trong đó sáu doanh nghiệp có doanh thu hơn 50 tỷ đồng/năm, thu hút 4.869 lao động, lương bình quân của người lao động 7-8 triệu đồng/người/tháng. Toàn tỉnh có 87 hợp tác xã, 52 tổ hợp tác do cựu chiến binh làm chủ, thu hút 3.234 lao động. Cùng với đó, các cựu chiến binh đã xây dựng được 360 trang trại, thu hút 2.316 lao động, trong đó có 200 trang trại có doanh thu từ 250-300 triệu đồng/năm; 3.659 gia trại, thu hút 9.737 lao động, và có hơn 4.851 hộ cựu chiến binh kinh doanh dịch vụ, thu hút 10.365 lao động.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang Nguyễn Đức Thuận, cho biết: Phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi ở tỉnh Bắc Giang trong những năm qua đã khẳng định được sức mạnh đoàn kết của các cựu chiến binh trên con đường vượt khó phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tính đến nay số hộ cựu chiến binh có kinh tế khá, giàu có là hơn 85 nghìn hộ, số hộ kinh tế trung bình có hơn 22 nghìn hộ, hộ cận nghèo còn khoảng 2.000 hộ; số hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn khoảng 1,1% với khoảng 1.000 hộ trong tổng số hơn 116 nghìn hội viên. Các mô hình kinh tế của các cựu chiến binh làm chủ ngày càng phát triển hiệu quả và đa dạng. Đây không chỉ là nguồn lực quan trọng để các cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế, mà còn khẳng định được vai trò quan trọng các lực lượng phát triển kinh tế ở địa phương, hằng năm đóng góp vào ngân sách hàng trăm tỷ đồng; cùng với đó là sự tham gia trách nhiệm, nhiệt huyết vào các công tác bảo trợ xã hội, ghi dấu ấn quan trọng trong thành tựu chung của nền kinh tế tỉnh Bắc Giang.

Qua phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” ở tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Họ là những tấm gương sáng của tinh thần bền bỉ vượt khó, không cam chịu đói nghèo, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng vươn lên, quyết tâm làm giàu chính đáng cho chính mình và góp phần quan trọng trong xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng giàu đẹp.

Theo Nhandan

https://nhandan.vn/vuot-kho-xay-dung-que-huong-post732444.html

Theo Nhandan