Thứ sáu,  20/09/2024

Thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn: Sự “trở lại” ấn tượng

– Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng – Lạng Sơn rất cần sự đầu tư, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước. Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và một số yếu tố khác, hoạt động thu hút đầu tư vào Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn bị “chững” lại. Không chỉ vậy, các dự án đã thực hiện đầu tư tạm ngừng hoạt động cũng chiếm số lượng khá lớn. Bước sang năm 2021, với những cơ chế, chính sách linh hoạt của tỉnh, hoạt động thu hút đầu tư đã có sự “trở lại” khá ấn tượng.

Cửa khẩu Chi Ma trong nhiều năm qua mặc dù là khu vực cửa khẩu có tiềm năng phát triển, nhưng công tác thu hút các dự án đầu tư tại đây gặp khá nhiều khó khăn, chưa thống nhất được bởi các nhà đầu tư còn khúc mắc một số vấn đề.

Các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm đầu tư dịch vụ tổng hợp (logistic) tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị

Kể từ khi nâng cấp thành cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Lạng Sơn – Việt Nam) – Ái Điểm (Trung Quốc), đặc biệt là bước sang năm 2021, đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, đặt vấn đề để được đầu tư, thực hiện dự án tại khu vực cửa khẩu này. Ông Nông Hải Thăng, Giám đốc Trung tâm quản lý cửa khẩu, Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Giai đoạn 2011- 2020, đã có 20 doanh nghiệp thực hiện đầu tư một số dự án vào khu vực cửa khẩu Chi Ma. Tuy vậy,  hầu như các dự án tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, có dự án đang chuẩn bị đầu tư cũng dừng lại. Nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, 12 dự án (dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước) đã trở lại hoạt động ổn định. Cụ thể như: dự án dịch vụ kinh doanh tổng hợp, khu chế biến hàng hóa XNK của Công ty TNHH xây dựng Vĩnh Long; dự án kinh doanh thương mại XNK và kho, bãi lưu giữ chế biến hàng hóa của Công ty TNHH Xuân Cương; dự án lưu giữ và kho hàng hóa tổng hợp của Công ty TNHH Kim Phúc Hà, dự án điểm tập kết kiểm tra hàng hóa XNK của Công ty TNHH MTV Trần Quang Nghĩa… Không chỉ các các dự án đã đầu tư hoạt động trở lại, trong quý I/2021, đã có 8 nhà đầu tư đến tìm hiểu và thực hiện các thủ tục đầu tư. Tính đến ngày 15/4, có 1 dự án bắt đầu triển khai xây dựng.

Không chỉ ở cửa khẩu Chi Ma, tại các cửa khẩu: Quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh, Bình Nghi…, số lượng dự án trở lại hoạt động trong quý I/2021 đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, bên cạnh 25 dự án kinh doanh bến bãi, có 41 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước ở các lĩnh vực khác như: hệ thống dịch vụ thương mại tại cửa khẩu, khu phi thuế quan, kho ngoại quan, chế biến hàng hóa… đã trở lại hoạt động.

Để có sự “trở lại” ấn tượng như vậy trong công tác thu hút đầu tư vào Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn, thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn ngoài tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi chung theo quy định của Chính phủ còn thực hiện một số chính sách ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp đầu tư vào khu KTCK. Cụ thể, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo), miễn thế xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp đầu tư vào Khu KTCK (miễn thuế nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định, phương tiện vận tải, dây chuyền công nghệ thực hiện dự án đầu tư…); ưu đãi về tiền thuê đất, mặt nước (miễn 3 năm tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày dự án hoàn thành đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư; 7 năm đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn…); một số chính sách hỗ trợ các dự án đầu tư như: hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nước; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo lao động (theo Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND ngày 10/12/2018 của HĐND tỉnh), hỗ trợ về lãi suất tín dụng…

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Từ cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh nói chung, vào Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn nói riêng, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các ngành chức năng tổ chức kêu gọi đầu tư qua nhiều kênh (thông tin đại chúng, cổng thông tin của tỉnh, thông qua kênh quảng bá từ chính các doanh nghiệp…). Không chỉ thu hút bằng những cơ chế, thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh còn chủ động thiết lập quan hệ, trao đổi thông tin trực tiếp với các nhà đầu tư, giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp. Cùng đó, trong điều kiện cho phép, UBND tỉnh đã tổ chức đoàn đi đến các địa phương lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh để quảng bá tiềm năng phát triển của Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, những tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn đã tập trung tạo mặt bằng sạch để chờ đón các nhà đầu tư. Cụ thể: ban đã phối hợp với các huyện biên giới thực hiện giải phóng mặt bằng thêm được gần 40 ha.

Những nỗ lực ấy đã được minh chứng bằng kết quả đáng ghi nhận trong những tháng đầu năm 2021. Qua việc thực hiện những giải pháp đó, một số khu vực cửa khẩu như: Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh, Bình Nghi… đang tiếp tục là điểm đến an toàn và đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư.

Theo thông tin từ lãnh đạo Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn, trong quý I/2021, có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn có uy tín đã tổ chức tìm hiểu, khảo sát 21 dự án thuộc Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn (trong danh mục tổng số 37 dự án thu hút vốn đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2019 – 2025), hiện đã có nhà đầu tư đang thực hiện một số bước để có thể hiện thực hóa công tác đầu tư vào khu vực này, trong đó chủ yếu tập trung vào đầu tư dự án cảng cạn, dịch vụ tổng hợp (logistics), chế biến nông sản tại cửa khẩu…
TRÍ DŨNG