Thứ sáu,  20/09/2024

Đồng bộ giải pháp để xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc

(LSO) – Ngày 8/12/2020, Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc được ký kết. Đây được coi là “Giấy thông hành” giúp sản phẩm thạch đen được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tiềm năng, rộng lớn. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị liên quan và người trồng thạch đang triển khai đồng bộ các giải pháp để thạch đen đảm bảo các yêu cầu xuất khẩu.

Diện tích cây thạch đen hàng năm trên địa bàn tỉnh khoảng 2.000 ha, tập trung tại 3 huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Bình Gia với sản lượng đạt trên 10.000 tấn/năm mang lại giá trị kinh tế từ 180 đến 250 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc tiêu thụ cây thạch đen không ổn định, giá cả bấp bênh, dễ bị ép giá…

Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết ngày 8/12/2020 gồm 12 điều. Bên cạnh những quy định chung, nội dung của nghị định thư tập trung chủ yếu vào các quy định bắt buộc từ việc trồng, chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói sản phẩm thạch đen xuất khẩu….

Công nhân công ty Đức Quý thực hiện rửa, sao, phơi cây thạch trước khi đưa vào chế biến sản xuất tinh bột thạch

Ngay sau khi Nghị định thư được ký kết, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai những giải pháp cụ thể. Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngành đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các nội dung của Nghị định thư. Trước mắt, cuối  tháng 12/2020 sẽ tổ chức trao 6 mã số vùng trồng thạch đen với diện tích 60 ha; phối hợp tổ chức tập huấn triển khai nội dung trong Nghị định thư cho các hộ trồng thạch đen; hoàn thiện hồ sơ bảo hộ giống thạch đen…

Bên cạnh sự chủ động của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, các xã đã chủ động triển khai từng bước để nâng cao năng suất, chất lượng cây thạch đen. Ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: UBND huyện tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã hướng dẫn, hỗ trợ bà con tiếp tục cải tạo đất, tập trung trồng và chăm sóc thạch đen theo quy trình VietGAP…

Ông Nông Minh Chuyên, thôn Khuổi Bắp, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định cho biết: Gia đình tôi có 4 sào thạch đen. Từ khi có thông tin thạch đen được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá thạch đen tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên, để sản phẩm được giá cao, ổn định,  đủ điều kiện xuất khẩu bản thân tôi cũng như nhiều hộ trồng thạch đen đều ý thức được việc tổ chức lại sản xuất đảm bảo đúng quy trình, quy định và hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.

Bên cạnh sự chủ động, quan tâm sát sao của các cấp, ngành và người trồng thạch, một thành tố rất quan trọng để đưa sản phẩm thạch đen xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc chính là các doanh nghiệp, cơ sở chế biến. Hiện trên địa bàn tỉnh đang có nhà máy chế biến sản phẩm tinh bột thạch của Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý với sản lượng trung bình mỗi ngày 2,5-3 tấn tinh bột. Ông Hà Viết Quý, Giám đốc công ty cho biết: Ngay sau khi Nghị định thư được ký kết, công ty đã chủ động kết nối với các đối tác Trung Quốc để hợp tác kinh doanh. Để đảm bảo các quy định trong Nghị định thư, công ty đã đầu tư các trang thiết bị chiết xuất, lọc các chất tồn dư có trong phân đạm, phân lân và thuốc bảo vệ thực vật; chủ động mang sản phẩm thạch đen sang Trung Quốc để kiểm tra hóa nghiệm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Để tiếp tục thu hút đầu tư vào sản phẩm thạch đen, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội nghị đầu tư và thương mại liên quan đến sản phẩm thạch đen. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành; sự chủ động của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và người dân, đặc biệt là cú hích từ “Nghị định thư”, hi vọng rằng, sản phẩm thạch đen của tỉnh sẽ được nâng cao giá trị hơn nữa trong thời gian tới.

“Nội dung trong nghị định thư chi tiết, chặt chẽ, người trồng, chế biến thạch đen cần lưu ý một số điểm như: tăng cường sử dụng các chế phẩm phân bón hữu cơ, không được sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc hóa học; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, đối tượng dịch hại theo Nghị định thư, nhất là các loại côn trùng, cỏ dại; không được lẫn các loại cỏ, đất…”

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

TÂN AN - LƯU VŨ