Thứ sáu,  20/09/2024

Xây dựng mô hình phát triển sản xuất ở Văn Quan: Khó nhân rộng

(LSO) – Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Văn Quan đã hỗ trợ các xã xây dựng mô hình sản xuất. Tuy nhiên, qua hơn 7 năm hỗ trợ, nhiều mô hình sản xuất đã không được duy trì, nhân rộng.

Năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng NTM, xã Tràng Phái đã lựa chọn mô hình trồng cây cà gai leo với 9 hộ tham gia, tổng diện tích là 25 sào. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian triển khai cho thấy, hiệu quả từ cây trồng này khá thấp. Cụ thể: có 1 hộ bị ngập nước dẫn đến cây chết (diện tích 8,5 sào), 8 hộ còn lại thu nhập được hơn 11 triệu đồng/16,5 sào. Ông Hoàng Văn Cao, Chủ tịch UBND xã Tràng Phái cho biết: Hiệu quả kinh tế thấp do đây là loại cây trồng mới được đưa vào trồng ở xã, người dân còn ít kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn do cây có gai, thân bò. Không những vậy, phía doanh nghiệp cam kết thu mua sản phẩm chậm, dẫn đến cây bị khô, giảm trọng lượng… Hiệu quả kinh tế thấp, người dân bỏ, mô hình không nhân rộng được.

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan mô hình trồng cây ăn quả tại xã Hữu Lễ

Cũng trong năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM, xã Văn An được hỗ trợ để xây dựng mô hình trồng cây nghệ đen. Ông Lô Xuân Viễn, Chủ tịch UBND xã Văn An cho biết: Cây nghệ đen trồng ở xã hợp đất, khí hậu nên sinh trưởng và phát triển rất tốt. Tuy nhiên, do việc tiêu thụ sản phẩm giữa người dân với đơn vị thu mua (Hợp tác xã Hợp Thịnh, huyện Cao Lộc) không đúng cam kết ban đầu. Cụ thể, HTX tiến hành thu mua chậm, thanh toán chậm… khiến người dân nghi ngờ năng lực bao tiêu sản phẩm của HTX, trong khi sản phẩm nghệ đen không thể tự bán đi đâu được, từ đó, người dân chán nản, không muốn tiếp tục thực hiện mô hình nữa. Năm 2019, mặc dù được phân bổ vốn hỗ trợ sản xuất, xã đã tuyên truyền, vận động nhưng người dân không tham gia thực hiện.

Trước đó, vào các năm: 2014, 2015, 2016, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, xã Xuân Mai đã lựa chọn hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây dong riềng. Bà Hoàng Thị Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Mai cho biết: Cây dong riềng được trồng ở xã phát triển rất tốt, cao điểm trên địa bàn xã có trên 10 ha trồng dong riềng. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ không ổn định. Bên cạnh đó, khâu tổ chức sản xuất còn yếu, lúc thu hoạch ồ ạt dẫn tới tiêu thụ không kịp, lúc không có sản phẩm để thu hoạch, có lúc giá dong riềng xuống hơn 1.000 đồng/kg. Hiệu quả thấp, không ổn định nên diện tích giảm nhanh chóng, hiện tại, trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 2 ha dong riềng (người dân để phát triển tự do).

Cùng với 3 trường hợp kể trên, từ năm 2012 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM, huyện Văn Quan đã phân bổ để các xã thực hiện các mô hình phát triển sản xuất. Cụ thể, tổng nguồn vốn được hỗ trợ giai đoạn 2012 – 2019 trên 10 tỷ đồng với 32 lượt xã được hỗ trợ với hàng trăm hộ dân tham gia. Tuy nhiên, nhiều mô hình được hỗ trợ đã không phát huy hiệu quả, không nhân rộng được như mô hình trồng chuối tiêu hồng ở xã Xuân Mai; mô hình trồng chanh ở xã Văn An; mô hình trồng cây dược liệu ở các xã: Hữu Lễ, Văn An, Vân Mộng…

Tìm hiểu thực tế tại các xã trên địa bàn huyện Văn Quan được hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất cho thấy: nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, không có khả năng nhân rộng là do lựa chọn cây, con chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như nhu cầu thị trường; trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế; khâu tổ chức sản xuất còn yếu và đặc biệt là thị trường tiêu thụ nhỏ, hẹp, không ổn định. Từ đó, dẫn tới việc khi có hỗ trợ thì làm, hết hỗ trợ là bỏ luôn mô hình.

Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất trong xây dựng NTM, thời gian tới, phòng chuyên môn tiếp tục tham mưu cho huyện để hỗ trợ các xã xác định được các sản phẩm thị trường đang cần, đang thiếu. Đối với những đơn vị bao tiêu sản phẩm, huyện yêu cầu đặt trụ sở tại huyện, đồng thời có cam kết bao tiêu sản phẩm; tiếp tục phối hợp tuyên truyền, tập huấn nâng cao hiệu quả khâu tổ chức sản xuất cho người dân; tìm kiếm, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở cả trong và ngoài tỉnh…

TÂN AN