Thứ sáu,  20/09/2024

Phát triển cây sở: Hướng thoát nghèo trên đất Lương Năng

– Những năm gần đây, người dân xã Lương Năng, huyện Văn Quan đã tích cực mở rộng diện tích trồng sở. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả cao, mở hướng thoát nghèo cho người dân trên địa bàn xã.

Gia đình ông Lý Văn Sỵ, thôn Nà Thang đã trồng sở từ 30 năm trước, nhưng thời điểm đó chỉ trồng với diện tích nhỏ và hầu như không chăm sóc. Ông Sỵ chia sẻ: Đến năm 2017, khi thương lái đến tận nơi thu mua hạt sở, thu tới đâu bán hết tới đó, gia đình tôi bắt đầu quan tâm chăm sóc và trồng thêm cây. Đến nay, gia đình có 3 ha sở, trong đó, diện tích cho thu hoạch chiếm 70%. Trung bình mỗi năm, gia đình thu hoạch khoảng 3 tấn hạt, thu được từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tùy giá từng năm.

Người dân xã Lương Năng chăm sóc cây sở

Không chỉ riêng gia đình ông Sỵ, hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 200 hộ có thu nhập từ cây trồng này. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cây sở đã được người dân trên địa bàn xã đưa vào trồng cách đây khoảng 30 đến 40 năm, đây là một trong những xã trồng sở đầu tiên trên địa bàn huyện Văn Quan. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, cây sở chưa trở thành hàng hóa. Từ năm 2017, khi nhiều hộ có thu nhập cao từ cây sở, phong trào trồng sở mới phát triển mạnh. Hiện nay, cây sở được trồng tại 5/5 thôn, toàn xã có 590 hộ thì có gần 400 hộ trồng sở, tập trung chủ yếu ở các thôn: Nà Thang, Bản Chầu, Bản Téng. Hiện tại, diện tích sở toàn xã đạt 180 ha, trong đó, khoảng 80 ha đã cho thu hoạch.

Ông Lý Văn Vượng, thôn Nà Thang cho biết: Sở là cây ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, tuổi thọ cao. Sau 5 năm trồng, cây bắt đầu bói quả, mỗi năm cho thu một lứa quả. Sau khi thu hoạch quả, người trồng sở bóc vỏ và bán hạt, trung bình hạt sở có giá bán từ 17 đến 27 nghìn đồng/kg (tùy vào thị trường). Ngoài ra, vỏ tươi của quả có thể tận dụng để ủ làm phân bón cho cây. Vụ sở năm 2020 vừa qua, mặc dù mất mùa so với những năm trước, gia đình vẫn thu về 1,5 tấn hạt, đem lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng.

Xác định sở là cây trồng chủ lực, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã đã chú trọng tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng mới, đồng thời, phục tráng diện tích đã trồng lâu năm, bị thoái hóa. Theo đó, UBND xã đã triển khai các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất như: chương trình 30a, chương trình 135, chương trình trồng cây phân tán… đến người dân để phát triển cây sở. Đơn cử như năm 2019, từ dự án trồng và cải tạo rừng sở (Chương trình 30a), UBND xã Lương Năng đã hỗ trợ giống và phân bón với tổng kinh phí 350 triệu đồng cho 140 hộ.

Ông Lộc Văn Cơ, Chủ tịch UBND xã Lương Năng cho biết: Để khuyến khích người dân phát triển cây sở, ngoài việc hỗ trợ từ các dự án, chương trình hỗ trợ sản xuất, hằng năm, chính quyền xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 2 đến 3 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc sở. Bên cạnh đó, UBND xã tham mưu đề xuất với UBND huyện về kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chưng cất ép dầu sở trên địa bàn xã nhằm ổn định đầu ra sản phẩm cho bà con, giảm nỗi lo bị ép giá từ các tư thương để người dân an tâm đầu tư phát triển cây sở.

Những năm qua, cây sở đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo trên địa bàn xã. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 25,4% (giảm 36,21% so với năm 2016). Xác định sở là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã, hằng năm, bên cạnh việc tập trung thu hoạch diện tích sở đang có, người dân trên địa bàn đã chủ động trồng dặm, cắt tỉa, chặt những cây già cỗi, thay thế cây mới để nâng cao năng suất. Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2025, xã Lương Năng sẽ nâng tổng diện tích trồng sở trên địa bàn lên 250 ha.

MAI LINH