Thứ sáu,  20/09/2024

Tái đàn lợn ở Lộc Bình: Còn nhiều khó khăn

– Tháng 3/2019, Lộc Bình là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, các ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, nguồn lợn giống khan hiếm, giá cao và thiếu vốn đầu tư cùng tâm lý e ngại dịch tái phát khiến việc tái đàn lợn trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn.

Năm 2019, đàn lợn gần 40 con của gia đình ông Lý Văn Yên, thôn Hua Cầu, xã Đông Quan bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng gần 2 tấn. Từ đó đến nay, gia đình ông chưa dám tái đàn mặc dù từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn xã không còn xảy ra dịch bệnh.

Ông Yên cho biết: Sau dịch bệnh, gia đình tôi đã vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng để chuẩn bị cho việc tái đàn. Tuy nhiên, hiện giá lợn giống rất cao, khoảng 1,5 đến hơn 2 triệu đồng/con nên tôi rất e ngại trong việc tái đàn vì nếu dịch tái phát thì gia đình sẽ bị thiệt hại lớn.

Người dân xã Tú Đoạn rắc vôi bột vệ sinh chuồng trại chăn nuôi lợn

Tương tự, hiện nay, chuồng nuôi lợn của gia đình chị Vi Thị Thức, thôn Dinh Chùa, xã Tú Đoạn vẫn để trống sau bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chị Thức chia sẻ: “Bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2020, gia đình tôi đã phải tiêu hủy 10 con lợn thịt. Dù biết giá lợn hơi hiện đang cao so với trước đây nhưng tôi còn do dự bởi vốn đầu tư lớn, giá con giống đắt và khan hiếm, ngoài ra còn phải đầu tư thêm thức ăn nên chưa dám tái đàn”.

Ngoài 2 gia đình trên, hiện nay, các hộ chăn nuôi tại Lộc Bình vẫn lo ngại trong việc tái đàn lợn. Nguyên nhân do bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị và vắc – xin phòng bệnh, virus tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền bệnh đa dạng, khó kiểm soát. Mặt khác, chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ yếu quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, khó kiểm soát; hầu hết chưa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tình trạng lợn giống khan hiếm và giá cao cũng ảnh hưởng lớn đến việc tái đàn.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, nếu như thời điểm khi chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi (cuối năm 2018), tổng đàn lợn của huyện khoảng 40.000 con thì hiện nay, tổng đàn lợn của huyện chỉ có khoảng 4.000 con, bằng 1/10 so với thời điểm trước khi có dịch.

Năm 2019 và năm 2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở huyện dẫn đến phải tiêu hủy trên 33.500 con lợn, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Hiện nay, việc tái đàn lợn là cần thiết nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi và phục vụ nhu cầu thị trường. Tại một số hộ chăn nuôi, người dân đã bắt đầu tái đàn để đáp ứng nhu cầu thị trường, tuy nhiên, đa số người dân chỉ tái đàn với số lượng ít, từ 2 đến 3 con.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn của người dân, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại. Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã thực hiện phun tiêu độc khử trùng chuồng trại cho 9.952 hộ tại 215 thôn của 21/21 xã, thị trấn…

Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian tới, để các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện tái đàn hiệu quả, phòng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; lựa chọn con giống ở những cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn dịch bệnh và có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện tốt việc tiêm phòng các loại bệnh…

Bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái phát. Do vậy, để người chăn nuôi yên tâm tái đàn rất cần các cơ quan chức năng kết nối với các doanh nghiệp giúp người dân tìm được nơi cung ứng lợn giống an toàn dịch bệnh; tạo điều kiện để người dân vay vốn đầu tư chăn nuôi. Có như vậy, thời gian tới, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện mới phát triển ổn định, giúp người dân có thu nhập ổn định từ chăn nuôi. Đồng thời, việc tái đàn lợn cũng góp phần vào bình ổn giá thịt lợn trên thị trường.

HIỂU LAM