Thứ sáu,  20/09/2024

Văn Lãng: Chủ động phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão

– Năm 2021, xác định thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, trước tình hình đó, UBND huyện Văn Lãng đã chủ động các phương án phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn về người, tài sản và hạn chế thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Văn Lãng là địa bàn có nhiều vùng có nguy cơ ngập úng khi mưa bão xảy ra như tại các xã: Hoàng Việt, Tân Lang, Bắc La, thị trấn Na Sầm. Đặc biệt là các vùng xung yếu như khu vực lòng hồ thuỷ điện Thác Xăng; các hồ, đập và lưu vực các vùng núi đất thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất… Năm 2020, trên địa bàn đã chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão và 7 đợt mưa kéo dài gây ra nhiều thiệt hại về tài sản như: nhà ở, nông nghiệp, y tế, giao thông… với tổng thiệt hại trên 4,7 tỷ đồng.

Trước mùa mưa bão năm nay, UBND huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện (PCTT&TKCN), phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn. Qua đó, đảm bảo tính thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trên địa bàn huyện để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác PCTT&TKCN, kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Cán bộ xã Hoàng Việt kiểm tra điểm cầu thôn Nà Mạt, xã Hoàng Việt

Cùng đó, đầu tháng 5/2021, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra các hồ đập, các điểm trọng yếu có nguy cơ sạt lở, ngập úng. Kết quả, đã kiểm tra được khoảng 80% số hồ đập, các điểm có nguy cơ sạt, ngập úng như tại 2 tuyến sông Văn Mịch, Kỳ Cùng và các xã như: Hoàng Việt, Bắc La, thị trấn Na Sầm… Ngoài ra, từ đầu tháng 5/2021 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã cắm 4 biển cảnh báo tại 4 ngầm có nguy cơ ngập lụt thuộc thị trấn Na Sầm và xã Hoàng Việt để cảnh báo người dân. Trong đó, tại ngầm thuộc thị trấn Na Sầm đã được lắp đặt rào chắn di động, đảm bảo an toàn cho người dân mùa mưa lũ.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2021, từ nguồn kinh phí dự trữ quốc gia, UBND huyện đã được cấp 205 chiếc phao tròn cứu sinh, 120 chiếc áo phao cứu sinh, 4 chiếc phao bè loại nhẹ, 2 bộ nhà bạt 16,5 m2 đảm bảo chất lượng phục vụ công tác PCTT& TKCN… Đồng thời, trước khi bước vào mùa mưa bão, UBND huyện chủ động trang bị 1 chiếc xuồng bơm hơi và các loại vật tư cần thiết khác phục vụ công tác TKCN. Ngoài ra, các đơn vị như: Phòng Kinh tế – Hạ tầng, ngành y tế huyện cũng đã xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo đầy đủ lương thực, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm thiết yếu để kịp thời phục vụ nhu cầu người dân khi có tình huống ngập lụt cục bộ xảy ra.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cũng đã chỉ đạo ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn chủ động xây dựng phương án ứng phó trước diễn biến phức tạp của thời tiết. Ông Âu Hồng Ngân, Chủ tịch UBND xã Hoàng Việt cho biết: Trên địa bàn xã có 3 địa điểm có nguy cơ cao về ngập úng, lũ cuốn là điểm cầu Còn Noọc, Nà Mạt và ngầm Tềnh Đồn (thôn Nà Phai). Mỗi khi đến mùa mưa lũ, các địa điểm này thường xảy ra ngập úng, chia cắt tuyến đường  trong thôn, xã. Vì vậy, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân không nên lưu thông qua các địa điểm trên khi xảy ra mưa bão để đảm bảo an toàn với hình thức như: trong các cuộc họp xã, thôn, thông qua loa công cộng của xã. Đồng thời, xây dựng phương án phòng, chống, bố trí lực lượng xung kích PCTT&TKCN trực 24/24 giờ tại những điểm nguy hiểm; vận động Nhân dân gia cố nhà cửa, dự trữ lương thực, nước uống trong mùa mưa bão.

Không chỉ tại xã Hoàng Việt, để công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai hiệu quả, kịp thời, UBND các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động tự phòng, chống thiên tai an toàn, hiệu quả. Ông Lăng Văn Vảng, thôn Pò Cại, xã Tân Mỹ cho biết: Xung quanh nhà tôi đều có sông, suối chảy qua, mỗi mùa mưa lũ đến, nước tại sông, suối dâng lên gây ngập úng hoa màu, nhà cửa. Vì vậy, trước mỗi mùa mưa, tôi cùng người dân trong thôn đều chủ động thực hiện đắp đê, trồng tre làm rào chắn, khơi thông dòng chảy để tránh lũ lụt gây thiệt hại hoa màu, nhà cửa.

Ông Đinh Long Xuyên, Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT& TKCN huyện cho biết: Để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả, chúng tôi tiếp tục tăng cường phối hợp với Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thông huyện tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCTT& TKCN, để từ đó, mỗi gia đình, người dân chủ động phòng, chống. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn các đội xung kích PCTT&TKCN các xã, thị trấn; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” hỗ trợ trực tiếp người dân khi thiên tai xảy ra…

Tin tưởng rằng, với sự chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai của cấp uỷ, chính quyền huyện cùng với ý thức cảnh giác, chủ động của Nhân dân sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra

HỒ DUNG - NGUYỄN PHÚC