Thứ sáu,  20/09/2024

Kim Đồng: Nguy cơ mai một giống quýt bản địa

– Những năm qua, cây quýt ở xã Kim Đồng, huyện Tràng Định được xác định là cây trồng chủ lực của xã, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở lại đây, nhiều diện tích quýt bị chết do sâu bệnh.

Những năm trước đây, trồng quýt đã tạo một nguồn thu nhập đáng kể để gia đình ông La Văn Thính (thôn Pàn Dao, xã Kim Đồng) phát triển kinh tế. Tuy nhiên, từ năm 2018, hơn 2 ha quýt của gia đình ông có dấu hiệu vàng lá, năng suất sụt giảm mạnh. Ông Thính cho biết: Gia đình tôi có 3 ha quýt, mỗi vụ quýt đem lại thu nhập cho gia đình trên 100 triệu đồng. Từ khi vườn quýt có bệnh, gia đình đã báo cáo UBND xã, UBND xã cử khuyến nông viên xuống hướng dẫn cách chữa trị. Cùng với đó, gia đình tôi cũng tự tìm hiểu thêm cách chữa trị và đầu tư 15 triệu đồng để mua thuốc về chữa trị cho cây nhưng vẫn không thấy chuyển biến. Đến năm 2019, diện tích quýt bị vàng lá đã chết, gia đình rất mong các ngành chức năng sớm tìm ra các giải pháp mới để giúp người trồng quýt tránh được tình trạng trên.

Người dân xã Kim Đồng kiểm tra sâu bệnh trên cây quýt

Không chỉ riêng hộ ông Thính, hiện nay, rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã Kim Đồng đã và đang gặp phải tình trạng này. Qua tìm hiểu, được biết: từ năm 2018 trở lại đây, cây quýt xã Kim Đồng xuất hiện bệnh vàng lá, thối rễ, thối gốc dẫn tới chết cây. Cụ thể, diện tích quýt có bệnh vàng lá, thối gốc tại các thôn như: Hợp Lực bị bệnh 0,8 ha, Nà Soong bị 1,2 ha, Bắc Khê 1,5 ha, Nà Thà 4,6 ha, Pàn Dào 1,3 ha, Nà Múc 0,3 ha.

Ông Hoàng Trường Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Đồng cho biết: Trước tình trạng trên, từ năm 2018, UBND xã Kim Đồng đã thông tin tới Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn tới bệnh, cùng với đó, tìm các giải pháp khắc phục tình trạng trên. Việc cây quýt ngày càng giảm năng suất đã khiến nhiều người dân không muốn trồng mới, ít chăm sóc hơn, nhiều người lựa chọn cây ngắn ngày để canh tác…  dẫn tới việc cây quýt trên địa bàn xã ngày càng giảm về cả diện tích, sản lượng, chất lượng, thậm chí có nguy cơ mai một hoàn toàn trong tương lai. Chúng tôi đề nghị các ban, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục quan tâm xem xét, tìm giải pháp chữa trị bệnh cho các vườn quýt trên địa bàn xã.

Hiện nay, diện tích trồng quýt và cả năng suất quýt trên địa bàn xã Kim Đồng giảm mạnh so với 5 năm trước đây. Nếu trước năm 2018, diện tích quýt của xã là 299  ha (cho thu hoạch từ 30 đến 40 kg/vụ/cây, giá bán từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg) thì đến nay, diện tích quýt của xã chỉ còn 261 ha. Mỗi cây chỉ cho thu được khoảng 10 đến 20 kg/vụ, kích thước quả cũng nhỏ hơn rất nhiều, chỉ đạt khoảng 70% so với trước đây.

Trao đổi với đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định, chúng tôi được biết: ngay khi nắm thông tin từ xã Kim Đồng, đơn vị đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số vườn quýt xuất hiện các dấu hiệu sâu bệnh, thoái hoá. Qua khảo sát, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cây quýt bị vàng lá, thối rễ, chết cây là do người dân chưa chăm sóc quýt theo đúng quy trình, không bổ sung các chất cho cây quýt sau thu hoạch, dẫn đến việc cây quýt ngày càng thoái hóa, chống chịu kém và sụt giảm năng suất.

Ngay sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện các phương pháp xử lý như: đối với bệnh thối gốc, thối rễ, người dân thực hiện xử lý đất bằng các loại vôi bột, các loại thuốc trị nấm, bổ sung nấm đối kháng để hỗ trợ cho cây; đối với bệnh vàng lá người dân thực hiện bổ sung phân bón vi lượng cho lá, đối với những diện tích đang xử lý đơn vị khuyến cáo người dân đào hố sâu 50 cm, rộng 50 cm ngăn mạch nước ngầm để không lây lan sang diện tích quýt đang phát triển. Đồng thời, từ năm 2019 đến nay, đơn vị phối  hợp với UBND xã tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép về cách trồng và chăm sóc cây quýt từ sau thu hoạch cho đến khi quả chín (trung bình tổ chức từ 2 – 4 lớp/năm).

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định cho biết: Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi diện tích quýt trên địa bàn xã Kim Đồng. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với chính quyền để tuyên truyền, hướng dẫn tập huấn cho người dân về cách trồng và chăm sóc quýt; qua đó, dần cải tạo, phục tráng cây quýt trên địa bàn xã. Tuy nhiên, quá trình trên cần thời gian dài do nhiều diện tích cây đã bị thoái hóa nặng.

Quýt là cây trồng bản địa và là đặc sản của huyện Tràng Định, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Vì vậy, để bảo vệ vường quýt, mong các cấp, ngành chức năng của tỉnh và huyện tiếp tục quan tâm, có giải pháp bảo tồn giống quýt bản địa. Cùng với đó,  người dân cần chủ động, tích cực áp dụng các biện pháp để phòng trừ bệnh hiệu quả.

NGUYỄN PHÚC