Thứ bảy,  14/09/2024

Văn Lãng: Tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng an toàn

– Những năm qua, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Văn Lãng không chỉ quan tâm định hướng, khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây ăn quả mà còn chú trọng hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), sản xuất hữu cơ. Nhờ đó, góp phần nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh hồng vành khuyên Nà Mò, xã Tân Mỹ thành lập năm 2018 với 7 thành viên và có 9 ha hồng vành khuyên. Từ năm 2019, được chính quyền xã định hướng, HTX luôn chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc hồng theo hướng VietGAP. Đặc biệt, năm 2020, các thành viên HTX được huyện hỗ trợ tham gia lớp tập huấn sản xuất hồng theo hướng hữu cơ do chuyên gia Viện Bảo vệ thực vật Trung ương hướng dẫn. Đến nay, toàn bộ diện tích hồng của HTX đều được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Ông Hoàng Văn Hậu, Giám đốc HTX cho biết: Canh tác theo hướng này giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì thế, đầu ra và giá thành sản phẩm ổn định. Vụ hồng vừa qua, HTX thu hoạch được 40 tấn hồng (tăng 15 tấn so với năm 2018), giá trị đạt trên 500 triệu đồng.

Người dân thị trấn Na Sầm chăm sóc hồng vành khuyên

Xã Tân Mỹ bắt đầu thực hiện canh tác cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2017. Hiện nay, toàn xã có 458 ha cây ăn quả, trong đó có 188,6 ha canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP (chủ yếu là hồng vành khuyên). Ông Hoàng Minh Hạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định để nâng cao chất lượng, giá trị cây ăn quả, đặc biệt là hồng vành khuyên, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, phối hợp với cơ quan chức năng của huyện tổ chức tập huấn sản xuất hồng VietGAP. Theo đó, từ năm 2017 đến hết năm 2021, xã đã tổ chức tập huấn được 11 lớp cho 197 lượt hộ tham gia. Qua đó, chất lượng cây ăn quả thay đổi rõ rệt, nhiều hộ dân thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm như: hộ ông Lý Văn Hành (thôn Quyết Tiến), Triệu Ký Quan, Lý Thị Điềm (thôn Thống Nhất), Hoàng Văn Hậu (Nà Mò)… Nhờ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 6,36% (năm 2016) xuống còn 5,29% (năm 2021), thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/người/năm.

Cùng với Tân Mỹ, xã Hoàng Việt cũng chú trọng phát triển cây ăn quả theo hướng nông nghiệp an toàn. Ông Âu Hồng Ngân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Diện tích cây ăn quả của xã gần 300 ha, chủ yếu là hồng vành khuyên. Năm 2019, được UBND huyện quan tâm, đầu tư khoa học kỹ thuật và tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả theo hướng VietGAP, toàn xã đã thực hiện được 48 ha VietGAP, đến năm 2021, mở rộng lên 80 ha. Chất lượng sản phẩm được nâng lên, thị trường ổn định, năm 2021, riêng sản lượng hồng đạt 400 tấn (tăng 120 tấn so với năm 2019), giá trị đạt khoảng 6 tỷ đồng.

Là một trong những hộ dân tham gia sản xuất hồng VietGAP, bà Hoàng Thị Thuý, thôn Pò Pheo, xã Hoàng Việt cho biết: Gia đình tôi có 500 gốc hồng, năm 2020, tôi tham gia lớp tập huấn do UBND xã, huyện tổ chức và được hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc hồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, quả to đều, bóng và đẹp hơn, thị trường tiêu tụ ổn định. Từ năm 2020 đến hết vụ năm 2021, sản lượng hồng đạt khoảng 10 tấn quả (tăng 4 tấn so với năm 2019), thu nhập đạt khoảng 160 triệu đồng (tăng 60 triệu so với năm 2019).

Trên đây chỉ là 2 xã điển hình phát triển cây ăn quả theo hướng an toàn. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, toàn huyện có 4.600 ha cây ăn quả như: hồng vành khuyên trên 1.400 ha, cây có múi 134 ha…, tập trung ở các xã: Tân Mỹ, Hoàng Việt, Hồng Thái, Hoàng Văn Thụ, Thanh Long. Trong đó, có 224,7 ha hồng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và 30 ha theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Để nâng cao chất lượng cây ăn quả, từ năm 2017, UBND huyện đã chú trọng chỉ đạo, hỗ trợ các xã, thị trấn phát triển cây ăn quả theo hướng an toàn. Theo đó, từ các nguồn vốn phát triển sản xuất, huyện đã thực hiện các dự án, mô hình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, huyện đã hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX thực hiện 6 mô hình trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP với tổng kinh phí khoảng 700 triệu đồng. Ngoài ra, trung bình mỗi năm, phòng chức năng của huyện phối hợp tổ chức 7 lớp lồng ghép về chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP cho 350 lượt người tham gia. Đồng thời, từ năm 2017 đến năm 2021, huyện đã hỗ trợ hàng vạn hộp giấy, 500 kg tem, nhãn mác, túi bóng in logo sản phẩm hồng cho các xã, thị trấn.

Nhờ đó, chất lượng sản phẩm nâng cao. Đặc biệt, sản phẩm hồng vành khuyên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, năm 2021, sản lượng đạt 6.000 tấn (tăng khoảng 4.000 tấn so với năm 2017), giá trị đạt trên 96 tỷ đồng (tăng trên 30 tỷ so với năm 2017).

“Việc canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ giúp nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, là điều kiện quan trọng để huyện quảng bá, góp phần mở rộng thị trường cho sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp tuyên truyền người dân chủ động mở rộng diện tích canh tác an toàn đối với các loại cây ăn quả, cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ người dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp”

Ông Đinh Long Xuyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng

HỒ DUNG