Thứ sáu,  20/09/2024

Tìm đầu ra cho cây có múi: Cách làm ở Lục Ngạn

(LSO) – Là một trong những huyện có diện tích cây ăn quả lớn của miền Bắc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã có những cách làm hay, phù hợp để tìm đầu ra ổn định cho các loại cây ăn quả, nhất là cây có múi. Từ cách làm của huyện Lục Ngạn có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm áp dụng cho vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Nhắc đến huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất của cây ăn quả. Bên cạnh vải thiều thì những năm gần đây, cây có múi như: cam, bưởi… trở thành sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân nơi đây.

Theo số liệu của UBND huyện Lục Ngạn, hiện nay, diện tích cây có múi trên địa bàn huyện là 6.740 ha. Trong đó, cây cam có diện tích 4.142 ha, cây bưởi 2.252 ha và cây có múi khác là 346 ha. Cây có múi hợp điều kiện khí hậu, đất đai, địa hình nơi đây nên sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2020, sản lượng cây có múi trên địa bàn huyện ước đạt 63.750 tấn, đem lại giá trị kinh tế từ 1.000 đến 2.000 tỷ đồng.

Đoàn công tác của Báo Lạng Sơn tham quan mô hình trồng cam tại thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn

Diện tích lớn, sản lượng nhiều nhưng gần như chưa bao giờ, người trồng cây ăn quả ở Lục Ngạn bị “ế” hàng. Để có được điều đó, bên cạnh việc tập trung hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, UBND huyện Lục Ngạn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tạo đầu ra ổn định cho các loại cây ăn quả trên địa bàn.

Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Để người bán cũng dễ, người mua cũng tiện, UBND huyện đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông, kết nối đường xã, đường huyện với đường tỉnh, quốc lộ để việc thông thương dễ dàng; vận động Nhân dân xây dựng các tuyến đường ra tận khu vực sản xuất.

Ông Vũ Duy Bình, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn cho biết: Giao thông thuận tiện, thương lái tìm vào tận vườn thu mua với giá cao, ổn định. Gia đình tôi hiện có 4 ha cây cam, trong đó, 3 ha đã cho thu hoạch, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về từ 700 đến 800 triệu đồng.

Bên cạnh củng cố hạ tầng, huyện Lục Ngạn tập trung đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ hoa quả có bài bản với chuỗi các sự kiện có quy mô lớn. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện đã tổ chức hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn. Tại  các hội chợ, bên cạnh sự tham gia của các đơn vị trong tỉnh, UBND huyện còn mời thêm doanh nghiệp, hợp tác xã ở các tỉnh, thành trên cả nước. Thông qua đó, ban tổ chức làm cầu nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân để có thêm những mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tại hội chợ năm 2020 (diễn ra tháng 11/2020), UBND huyện Lục Ngạn khai trương sàn giao dịch điện tử để đưa cam, bưởi cùng một số sản phẩm đặc trưng của huyện lên sàn giao dịch. Từ đó, khách hàng ở mọi nơi có thể truy cập địa chỉ “dacsanlucngan.vn” để tìm hiểu và đặt mua sản phẩm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…

Cùng với củng cố hạ tầng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, trong những năm qua, huyện Lục Ngạn còn triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khác để đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao giá trị cây ăn quả có múi trên địa bàn. Điển hình như: tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đến thu mua nông sản; lập danh sách các doanh nghiệp, thương nhân có năng lực và uy tín của huyện để sẵn sàng làm đối tác với các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước có nhu cầu thu mua, tiêu thụ; chuẩn bị sẵn sàng địa chỉ các nhà vườn, trang trại để cung ứng nguồn hàng…

Từ những giải pháp cụ thể, hiệu quả mà huyện Lục Ngạn đã triển khai thực hiện, có thể rút ra những bài học để áp dụng nâng cao hiệu quả công tác tiêu thụ cây ăn quả trên địa bàn tỉnh như: tập trung củng cố cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, trọng tâm là hạ tầng giao thông; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, tiêu thụ; kêu gọi, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

TÂN AN