Thứ sáu,  20/09/2024

Xây dựng nông thôn mới: Khởi sắc ở xã vùng biên

– Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, từ năm 2022 đến nay, việc triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã biên giới trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc. Qua đó, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM chung trên địa bàn tỉnh.

Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng, với sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước và sự chung tay, góp sức của Nhân dân, đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 9/20 xã biên giới được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân mỗi xã biên giới đạt 13,85 tiêu chí.

Người dân xã biên giới Bảo Lâm, huyện Cao Lộc chung sức tham gia trồng cây, giữ gìn vệ sinh môi trường

Từ năm 2022 đến nay, mặc dù phải đối diện thêm những khó khăn, thách thức như ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nguồn vốn phân bổ thực hiện chương trình chậm, bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM mới ban hành có nhiều tiêu chí khó đòi hỏi nguồn lực lớn hơn… Song với sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước và sự chung sức của người dân, việc triển khai xây dựng NTM ở xã biên giới trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Xã biên giới Tam Gia, huyện Lộc Bình là một ví dụ.

Xã Tam Gia có 8/9 thôn đặc biệt khó khăn. Năm 2022, xã Tam Gia là 1 trong 10 xã được chọn chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM. Thời điểm đầu năm 2022, xã mới đạt 8/19 tiêu chí. Để hỗ trợ xã thực hiện các tiêu chí, UBND huyện Lộc Bình đã chủ động cân đối, lồng ghép nguồn lực để hỗ trợ xã xây dựng 17 công trình hạ tầng với nguồn vốn hơn 70 tỷ đồng. Ông Vi Văn Thức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Có nguồn vốn đầu tư xây dựng, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để chuẩn bị mặt bằng phục vụ công tác đầu tư xây dựng.

Cùng với đó, UBND xã, các tổ chức, đoàn thể đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân chung sức thực hiện các tiêu chí. Ông Phương Văn Đa, thôn Bản Tre, xã Tam Gia cho biết: Năm 2022, sau khi được cán bộ xã, thôn tuyên truyền về chủ trương làm đường Bản Tre – Co Lượt, gia đình tôi đã hiến 1.250 m2 đất, góp phần đưa con đường nhanh chóng hoàn thành.

Ngoài gia đình ông Đa, các hộ gia đình khác trên địa bàn xã Tam Gia đã đóng góp được tổng số 600 triệu đồng, gần 5.500 công lao động và hiến gần 4.900 m2 đất thực hiện các tiêu chí. Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung sức của người dân, năm 2022, xã Tam Gia đã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Cùng với xã điểm Tam Gia, các cấp, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các xã biên giới khác xây dựng NTM. Cụ thể, năm 2022, các huyện đã cân đối, lồng ghép nguồn lực để hỗ trợ các xã biên giới gần 130 tỷ đồng để xây dựng 35 công trình hạ tầng (trong đó tập trung chủ yếu ở xã Tam Gia, huyện Lộc Bình và xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng).

Bên cạnh sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước, các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để huy động sự chung tay, góp sức của người dân. Cụ thể năm 2022, các cấp, ngành liên quan đã tổ chức 38 cuộc tuyên truyền, tập huấn liên quan đến xây dựng NTM, NTM nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu tại các xã biên giới với gần 3.000 lượt người tham dự; bên cạnh đó, các xã chủ động phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền lồng ghép qua các hội nghị từ xã đến thôn, bản… Qua đó, người dân hiểu và tích cực chung sức thực hiện các tiêu chí. Năm 2022, người dân các xã biên giới hiến gần 20.000 m2 đất, đóng góp khoảng 15.000 công lao động và hơn 1 tỷ đồng để chung sức thực hiện các tiêu chí giao thông, thủy lợi, môi trường…

Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Từ sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước và sự chung sức của người dân, năm 2022, trên địa bàn tỉnh có thêm 2 xã biên giới được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã biên giới được công nhận đạt chuẩn lên 11 xã; bình quân mỗi xã biên giới đạt 13,05 tiêu chí (giảm tiêu chí bình quân do áp dụng bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM 2021 – 2025).

Bước sang năm 2023, tỉnh tiếp tục phấn đấu đưa thêm 2 xã biên giới là xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc và xã Thanh Long, huyện Văn Lãng đạt chuẩn NTM; bình quân mỗi xã biên giới đạt 16,65 tiêu chí. Để đạt mục tiêu đề ra, ngay trong những tháng đầu năm 2023, UBND các xã biên giới đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động huy động sự chung sức của người dân tham gia thực hiện các tiêu chí. Qua đó, gần 4 tháng đầu năm 2023, các xã biên giới huy động hơn 5.000 công lao động để chung sức thực hiện tiêu chí giao thông, thủy lợi, môi trường… Cùng với đó, UBND các huyện đã lồng ghép, phân bổ nguồn lực để đầu tư xây dựng 22 công trình hạ tầng NTM, hiện nay, đang hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư. Đồng thời, UBND một số huyện (Cao Lộc, Văn Lãng) đã phát động phong trào cán bộ, công chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang xuống cơ sở hỗ trợ xã xây dựng NTM…

Với sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước và sự chung sức của người dân, hy vọng rằng năm 2023 và những năm tiếp theo, việc triển khai xây dựng NTM ở các xã biên giới tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

TÂN AN