Thứ sáu,  20/09/2024
Chung tay xây dựng nông thôn mới:

Hội nông dân xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả

LSO-Trong 19 tiêu chí nông thôn mới, tiêu chí thứ 13 nêu rõ: hình thức tổ chức sản xuất phải có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Để góp sức đưa tỉnh nhanh chóng hoàn thành tiêu chí này, đồng thời từng bước khắc phục những hạn chế của nông dân trong việc ứng dụng tiến hộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; thay thế dần mô hình sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thiếu bền vững bằng mô hình kinh tế có hiệu quả, bền vững hơn, ngày 24/3/2014, Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/NQ/ĐĐ-HNDT về xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014 – 2018. Qua gần 7 tháng triển khai thực hiện, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã xây dựng và hình thành 146 mô hình kinh tế có hiệu quả, đạt 417% chỉ tiêu năm 2014 mà nghị quyết đề ra.
Vườn rau của chị Triệu Thanh Huyền, tổ viên tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Vĩ Hạ, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn

Từ sự đồng thuận

Theo ông Hoàng Văn Thiết, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, mô hình kinh tế có hiệu quả là mô hình kinh tế hộ gia đình hay mô hình kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác) đảm bảo các yêu cầu về đối tượng xây dựng mô hình: có khả năng nhất định về vốn và lao động; có tư liệu sản xuất (đất đai, chuồng trại…) để tổ chức sản xuất theo yêu cầu; có nhận thức trong tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và có khả năng tổ chức sản xuất. Để các cấp hội nông dân triển khai thực hiện mô hình này hiệu quả nhất, Hội Nông dân tỉnh đã có hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể đối với từng cấp, trong đó xác định rõ chỉ tiêu: mỗi huyện, thành hội thống nhất với cơ sở hội xây dựng từ 2 đến 3 mô hình/năm; cấp tỉnh 30 đến 35 mô hình. Mỗi cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện rà soát các mô hình sản xuất, kinh doanh hiện có tại địa bàn, để trên cơ sở đó xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong thực hiện, hội nông dân các cấp đẩy mạnh việc giải ngân vốn các dự án thuộc nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, phối hợp với cơ quan chuyên môn tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và vận động hội viên, nông dân tự huy động vốn vào xây dựng mô hình. Chính vì vậy đã tạo được sự đồng thuận trong toàn hội, khơi được nguồn nội lực của hội viên, nông dân tích cực thực hiện. Đến thời điểm này, mỗi xã, phường trong tỉnh đều đã xây dựng và hình thành được từ 1 đến 2 mô hình kinh tế có hiệu quả. Các mô hình duy trì hoạt động tốt, có tác động tích cực trong cộng đồng, khiến nhiều hộ dân học hỏi làm theo.

Đến hiệu quả

Từ sự chỉ đạo sát sao ở từng cấp hội và kiểm tra đôn đốc thường xuyên, hiện nay, các cấp hội nông dân đều xây dựng được các mô hình kinh tế có hiệu quả theo đúng hướng dẫn. Trong tổng số 147 mô hình kinh tế có hiệu quả đang duy trì hoạt động tốt, có 33 mô hình kinh tế hợp tác xã và tổ hợp tác, 113 mô hình kinh tế hộ gia đình, nhóm hộ gia đình. Phần lớn là các mô hình kinh tế tổng hợp như chăn nuôi trâu, bò, lợn; trồng na và dịch vụ nông nghiệp. Các huyện tiêu biểu có số lượng mô hình nhiều và chất lượng tốt là Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia, Chi Lăng. Các mô hình góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn.

Tham quan mô hình tổ hợp tác trồng rau an toàn thôn Vĩ Hạ, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cách thức làm ăn khoa học của các tổ viên. Vườn rau được phân ra từng khu riêng, khu vực gieo rau giống, khu vực trồng rau ăn với từng lứa kế tiếp nhau để người trồng có rau bán rải đều trong suốt vụ. Chị Triệu Thanh Huyền, Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: Chúng tôi có 14 tổ viên đều là người có thâm niên trồng rau, canh tác trên tổng diện tích đất 33 sào. Trước đây thường là mạnh ai nấy làm, khi thành lập và tham gia tổ hợp tác này, các tổ viên thường xuyên hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật, đầu ra sản phẩm. Do đó năng suất, chất lượng rau đạt cao hơn. Hằng tháng mỗi tổ viên có thu nhập từ rau khoảng 3 triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Thiết nhận định: Kết quả bước đầu cho thấy, sản phẩm làm ra từ các mô hình kinh tế có hiệu quả đạt chất lượng hơn hẳn sản phẩm thông thường. Trên cùng một đơn vị diện tích năng suất cũng cao hơn. Quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản theo chu trình kỹ thuật khép kín đã giảm được chi phí sản xuất. Qua mô hình góp phần từng bước chuyển đổi nhận thức của hội viên, nông dân; thay đổi phương thức với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả sang sản xuất mô hình có quy mô lớn hơn, năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, sản xuất theo mô hình dễ tiếp cận vốn đầu tư và tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản phẩm tạo ra mang tính hàng hóa, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ.

Việc triển khai xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả trong hội viên, nông dân toàn tỉnh là việc làm rất thiết thực trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới. Khi mô hình theo hướng này gia tăng sẽ không chỉ giúp tỉnh hoàn thành tiêu chí thứ 13 trong xây dựng nông mới mà còn góp phần quan trọng đưa các tiêu chí về tăng thu nhập bình quân đầu người (tiêu chí 10), giảm tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí 11) sớm cán đính.

DIỆU HẰNG