Thứ sáu,  20/09/2024
Cải thiện môi trường chăn nuôi:

Kinh nghiệm ở Quỳnh Sơn

LSO-Vệ sinh môi trường luôn là một trong những tiêu chí khó thực hiện đối với các xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tiêu chí này không đòi hỏi nhiều nguồn lực đầu tư, nhưng lại cần sự tự giác, ý thức của người dân. Năm 2014, xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn đã mạnh dạn thực hiện dự án di dời chuồng trại, đảm  bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi.
Mô hình nuôi bò nhốt chuồng ở xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn cho hiệu quả kinh tế cao

Phong trào nuôi bò nhốt chuồng ở xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn đã phát triển từ khá lâu. Năm 2013, toàn xã có 428 con bò, đến năm 2014, số lượng bò nhốt chuồng toàn xã đã tăng lên trên 530 con.  Thế nhưng, có thực tế là hầu hết các hộ gia đình tận dụng gầm nhà sàn để nuôi nhốt hoặc làm chuồng gần nơi ở gây mất vệ sinh môi trường. Chính vì vậy, trong năm 2014, sau khi khảo sát, lấy ý kiến nhân dân, xã Quỳnh Sơn quyết định dùng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất để lập dự án di dời chuồng trại. Với nguồn kinh phí 100 triệu đồng, việc chọn hộ gia đình nào để triển khai và thực hiện theo cách thức nào không phải là việc dễ. Ông Dương Công Thầm, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: xã đã tổ chức họp dân, hình thức hỗ trợ là nhân dân đối ứng từ 12 triệu đồng trở lên, dự án hỗ trợ 5 triệu đồng; người dân các thôn sẽ bình xét, bỏ phiếu kín để chọn ra 20 hộ thực hiện dự án.  Đồng thời Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện, tuyên truyền tập huấn cho nhân dân nâng cao kiến thức về vệ sinh môi trường và tác hại của các chất thải trong chăn nuôi. Mặt khác, quy cách về chuồng trại được quy định thống nhất cách xa nơi ở, công trình nước sinh hoạt; đảm bảo công trình phụ trợ, khu vực chứa và xử lý chất thải đúng quy định…

Chỉ trong vòng 5 tháng triển khai, toàn bộ số hộ được hỗ trợ đã hoàn tất việc di dời chuồng trại và xây dựng được các công trình phụ trợ chứa chất thải chăn nuôi. Dự án đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, ông Dương Công Đông, thôn Nà Riềng 2 tâm sự: chuồng trại đạt tiêu chuẩn, vệ sinh môi trường tốt hẳn lên, khi đã sạch rồi mà để bẩn lại thì khó chịu lắm. Chính vì vậy, ngoài chăn nuôi, đồ đạc trong nhà cũng được bố trí hợp lý, ngăn nắp hơn. Vệ sinh môi trường thấm dần trong từng hộ gia đình, sạch từ trong nhà trở thành phong trào rồi đến sạch ra ngoài ngõ.

Chỉ từ nguồn kinh phí 100 triệu đồng, 20 hộ tham gia dự án đã đóng góp thêm 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại đúng quy cách. Trong năm 2015, xã Quỳnh Sơn phấn đấu di dời và vận động nhân dân xây dựng chuồng trại đúng quy cách đạt 80% trở lên, góp phần quan trọng để hoàn thành tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường. Vệ sinh môi trường chăn nuôi đảm bảo đã khiến cho nhiều hộ gia đình yên tâm và có hướng phát triển mở rộng chăn nuôi, ví dụ như nhà ông Dương Công Thủy, Dương Đình Danh thôn Thâm Phát, mỗi hộ nuôi 5 con bò thịt vỗ béo mỗi lứa; tính trừ chi phí sau khi xuất chuồng bình quân mỗi con bò cho thu nhập 1-1,5 triệu đồng mỗi tháng.

Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: trước tiên phải xác định việc tuyên truyền, vận động nhân dân đảm bảo vệ sinh môi trường nói chung và vệ sinh môi trường chăn nuôi nói riêng là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã; từ các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên phải thực hiện ở gia đình mình trước, vận động người thân họ hàng thực hiện theo để tạo ra sự đồng thuận cao. Nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước chỉ là “mồi” tạo phong trào để các gia đình nâng cao ý thức và tự giác thực hiện. Môi trường trong lành là do người dân tạo ra và chính người dân thụ hưởng điều đó.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có khoảng 25% số chuồng trại chăn nuôi và 35% số nhà tiêu hợp vệ sinh. Hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh chưa đạt tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
VŨ NHƯ PHONG