Thứ sáu,  20/09/2024
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng:

Tràng Định chủ động tái cơ cấu sản xuất

LSO-Chủ trương xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha được huyện Tràng Định triển khai thực hiện từ đầu những năm 2000, trong đó nòng cốt là thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hướng vào các sản phẩm chủ lực. Sau đó ít năm, chủ trương cánh đồng 50 triệu được đổi thành cánh đồng giá trị cao, bởi cánh đồng 50 triệu lúc này đã không còn phù hợp. Đây là thời điểm mà huyện Tràng Định có sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.
Thu mua khoai tây giống trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Tràng Định

Trước thời điểm năm 2005, ngay cả xã có trình độ sản xuất nông nghiệp khá phát triển như Đại Đồng vẫn loay hoay với các loại cây lương thực truyền thống. Trên 500 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã cơ bản là độc canh cây lúa và một phần nương bãi trồng ngô. Trong thời điểm ấy, chủ trương xây dựng cánh đồng giá trị cao như một luồng gió mới thúc đẩy phong trào sản xuất của Đại Đồng.

Một mặt động viên nhân dân, phát huy nội lực, mặt khác cấp ủy, chính quyền xã phát huy tối đa hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ của nhà nước để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đại Đồng đã đưa 2 công thức luân canh vào sản xuất. Một phần diện tích dùng để thâm canh cây thạch đen với 2 vụ sản xuất hàng hóa và một vụ sản xuất giống; phần còn lại canh tác 2 vụ lúa, xen giữa là vụ khoai tây đông. Bà Hoàng Thị Tuyên, Chủ tịch UBND xã cho biết: các công thức luân canh đều mang lại hiệu quả kinh tế từ 70-90 triệu đồng/ha. Từ những thành công ban đầu đó, cho đến nay, cánh đồng giá trị cao trên địa bàn xã Đại Đồng cơ bản đều đạt xấp xỉ 100 triệu đồng/ha.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương cánh đồng giá trị cao, cuối năm 2008, UBND huyện Tràng Định đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu thực hiện cho từng xã, trong đó gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã và các cán bộ thôn trong việc vận động, định hướng nhân dân triển khai xây dựng mô hình cánh đồng giá trị cao. Đồng thời huyện sử dụng kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau tiếp tục tăng cường hạ tầng nông nghiệp, nông thôn cho các địa phương và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đưa vào khảo nghiệm, sản xuất thử nhiều loại giống mới, đưa mạnh các loại cây công nghiệp, cây thực phẩm vào sản xuất trong vụ 3.

Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: với diện tích đất canh tác nông nghiệp khoảng 5,6 nghìn héc ta, Tràng Định duy trì diện tích cây lương thực hợp lý, đảm bảo an ninh lương thực với mức bình quân đầu người trên 600 kg/người/năm. Số diện tích còn lại, tại vùng cánh đồng một phần chuyển đổi trồng thạch đen với quy mô khoảng 1.000-1.200 ha. Với diện tích này, bình quân hằng năm,  nông dân Tràng Định có thu nhập 150-180 tỷ đồng. Đồng thời hằng năm, vùng cánh đồng vẫn duy trì xấp xỉ 400 ha khoai tây vụ đông với tỷ lệ giống mới chiếm đa số.

Tại vùng có độ dốc thấp, huyện vẫn chủ trương đưa một phần vào phát triển thạch đen với diện tích từ 500-1.000 ha. Trong thời gian qua, tại các xã phía đông của huyện như Quốc Việt, Tân Minh, Trung Thành, Đào Viên đã triển khai có hiệu quả trồng và mở rộng diện tích khoai môn với diện tích từ 100-150 ha. Theo ước tính chỉ riêng từ 2 loại cây này, các xã vùng núi thấp có thu nhập trên 150 tỷ đồng mỗi năm.

Đối với chuyển dịch cơ cấu cây ăn quả, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển cây ăn quả giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu mở rộng diện tích trồng quýt tại các xã Kim Đồng, Tân Tiến, Chi Lăng, Chí Minh lên 400 ha. Cho đến nay đã mở rộng diện tích được 250 ha và dự kiến hết năm 2015 sẽ hoàn thành mục tiêu này. Ông Nông Văn Thoại, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: cho đến nay, quýt Tràng Định rất được ưa chuộng và thường được thu mua ngay từ các nhà vườn.

Trong khi đó, ngoài việc phát triển rừng, các xã phía tây đã tập trung phát triển cây quế. Trong vòng 3 năm trở lại đây, các xã như Cao Minh, Đoàn Kết, Khánh Long… đã trồng mới trên 700 ha quế. Với mức giá thu mua tại chỗ hiện nay khoảng 30.000-35.000 đồng/kg, 1 ha quế có thể cho thu nhập 250 triệu đồng/năm. Đầu năm 2015 này, tin vui đối với các hộ trồng quế là UBND huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ giá giống quế với mức 1.000 đồng/cây để khuyến khích mở rộng loại cây này.

Có thể nhận thấy, định hướng chiến lược tập trung vào các loại cây, sản phẩm chủ lực của Tràng Định đã và đang được triển khai bài bản, có hiệu quả. Đây chính là bước đi cụ thể hóa tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và là nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

VŨ NHƯ PHONG