Thứ sáu,  20/09/2024

Khát vọng vươn lên

LSO-Bước sang năm thứ 5 triển khai, xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một cuộc vận động lớn có sức lan tỏa sâu, rộng trong toàn xã hội. Nông thôn mới như làn gió mới, khơi dậy khát vọng vươn lên của người dân nơi mảnh đất địa đầu.
Lắp đặt công tơ cho người dân thôn Lân Châu, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng

HỘ NGHÈO CŨNG HIẾN ĐẤT

Nói về chuyện hiến đất cho tập thể để mở đường giao thông, cụ Nguyễn Thị Nhật, thôn Hố Vạng, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng cười hiền: Đảng, Nhà nước phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, ông nhà tôi tuổi cao sức yếu, tôi cũng hơn 70 tuổi rồi, gia đình lại là hộ nghèo, muốn đóng góp gì đó cho tập thể cũng khó; bởi vậy biết thôn cần mở rộng đường giao thông, tôi và ông nhà đồng ý hiến đất ngay. Cụ kể, cũng nhiều người khuyên: chỗ đất ấy bán đi được khối tiền ấy chứ. Nhưng ông, bà gạt ngay, làm được đường to, rộng thì dân làng mình, con cháu mình được hưởng, mỗi người một chút mới xây dựng được nông thôn mới.

Trưởng thôn Hố Vạng, ông Hoàng Văn Đào cho biết: nhờ hơn 130 mét vuông đất vườn của cụ Nhật, con đường trục chính của thôn đã được mở rộng, bê tông hóa đạt chuẩn nông thôn mới. Điều quan trọng hơn là chính hành động cao đẹp ấy đã khơi dậy sức mạnh nội lực của toàn thôn, đưa Hố Vạng trở thành thôn điển hình của xã.

Không chỉ ở Hữu Lũng, mà hiến đất, đóng góp nguồn lực, chung tay xây dựng hạ tầng nông thôn đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Ông Vy Thế Hồng, Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, hầu hết các công trình công cộng trên địa bàn huyện như trường học, nhà văn hóa, giao thông… đều do người dân hiến đất tạo mặt bằng. Đặc biệt, những xã đặc biệt khó khăn, người dân còn nghèo nhưng vẫn sẵn sàng hiến đất. Điều đó thể hiện khát vọng đổi mới, vươn lên của người dân, sự kỳ vọng vào nông thôn mới.

Trên địa bàn toàn tỉnh, trong năm 2014, nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 280 nghìn mét vuông đất; huy động trên 75 tỷ đồng (kể cả khai thác vật liệu và đóng góp ngày công quy ra tiền) để làm giao thông nông thôn, thủy lợi; xây dựng 66 công trình hạ tầng như trường học, nhà văn hóa thôn…

SÔI NỔI PHONG TRÀO THI ĐUA

Cùng với chung sức củng cố hạ tầng, xây dựng nông thôn mới đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, rộng lớn. Anh Bế Văn Nghị, Trưởng thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng phấn khởi: lúc đầu là vận động một vài hộ gia đình tự chỉnh trang, cải tạo nhà cửa, bố trí gọn gàng ngăn nắp xây dựng gia đình nông thôn mới. Nhà này nhìn nhà kia, không phải là ganh tỵ mà là để phấn đấu, dần dà tạo thành phong trào rộng khắp toàn thôn.

Rồi phong trào rộng ra thành thi đua giữa các thôn. Ông Triệu Văn Sơn, Trưởng thôn Làng Cằng, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng bộc bạch: là thôn khó khăn hơn, nên trong khi các thôn khác trong xã đã đóng góp xây dựng xong cổng làng, Làng Cằng vẫn chưa có cổng. Nhân dân trong thôn củng cố quyết tâm, phấn đấu, thi đua và chắc chắn Làng Cằng sẽ xây dựng xong cổng làng trước tết Ất Mùi này. Thi đua lan tỏa giữa các xã, các huyện, bởi cấp cơ sở đã thấm nhuần quan điểm của tỉnh là sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ nhiều hơn cho những nơi làm tốt. Cuối năm 2014 vừa qua, những xã nằm trong tốp đầu của huyện Tràng Định đã bảo vệ các phương án của mình trước Ban chỉ đạo huyện để lựa chọn ra xã tốt nhất, tích cực nhất, tập trung nguồn lực về đích trong năm 2015.

Trong phát triển sản xuất, những tư tưởng trông chờ, ỷ lại trước đây dần nhường chỗ cho sự chủ động, hưởng ứng cùng với các chương trình hỗ trợ của nhà nước. Trong năm 2014, chỉ với 5 tỷ đồng kinh phí từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, nhân dân trong toàn tỉnh đã đóng góp, huy động thêm hơn 3 tỷ đồng, tạo ra 56 mô hình sản xuất với trên 2,3 nghìn hộ gia đình của 50 xã tham gia.

Với mức thu nhập đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 là 16 triệu đồng/ người/ năm, đến nay, Lạng Sơn đã có 28/207 xã đạt chuẩn, tăng tới 17 xã so với năm 2013. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống nhanh chóng, trước khi triển khai thực hiện chương trình, cuối năm 2010, toàn tỉnh còn 29,34% hộ nghèo; đến nay tỷ lệ chỉ còn 14,9%.

Kết luận tại hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới năm 2014, đồng chí Vy Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được một số kết quả quan trọng; có sự chuyển biến rõ nét hơn, toàn diện hơn, đã tạo được bước chuyển biến tiến bộ hơn trong nhận thức, tư tưởng của cán bộ và nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác xây dựng nông thôn mới. Kinh tế- xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn có bước phát triển mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Nông thôn mới như làn gió mới khơi dậy khát vọng vươn lên của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn. Đó vừa là nền tảng vững chắc, vừa là động lực để đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới trên mảnh đất địa đầu.

VŨ NHƯ PHONG