Thứ năm,  19/09/2024

Người "đưa đò" ngược dòng số phận

Số phận kém may mắn đã lấy đi của chị Điềm đôi mắt sáng và đôi chân khỏe mạnh, nhưng bên cạnh chị luôn có bờ vai vững chắc của người chồng đồng cam cộng khổ, niềm động viên tinh thần lớn lao từ cậu con trai chăm ngoan, học giỏi; từ các anh chị em trong gia đình. Và thêm nữa quanh chị luôn có những người bạn, những đồng nghiệp luôn sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia; những cô cậu học trò vẫn trìu mến gọi chị bằng hai tiếng “cô giáo”. Tất cả những điều ấy như tiếp thêm niềm tin và nghị lực để hàng ngày, chị Điềm vẫn kiên trì luyện tập từng động tác, từng bước đi với mong mỏi một ngày nào đó, bỏ được đôi nạng gỗ, chị có thể trở lại bục giảng với các học trò thân yêu.

LSO-Ở một góc phố nhỏ giữa lòng thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc có một cửa hàng lưu niệm với những con thú nhồi bông ngộ nghĩnh, những chiếc khăn, mũ len xinh xắn. Thoạt nhìn những món đồ này, ít ai biết rằng chúng được làm ra từ đôi bàn tay của một cô giáo tật nguyền có cái tên thật hiền hậu: Vi Thị Thu Điềm.
Vượt lên bệnh tật, chị Điềm đã tìm đến nghệ thuật móc thú len
làm ra những đồ lưu niệm xinh xắn
Những con thú len được chị Điềm làm ra xuất phát từ nghệ thuật thủ công Amigurumi hay còn gọi là nghệ thuật móc thú len của Nhật Bản. Với một người khỏe mạnh, làm được những con thú len xinh xắn này đã là một việc khó. Với một phụ nữ khuyết tật chân và đôi mắt mờ, điều đó còn khó gấp nhiều lần. Thế nhưng, bằng óc sáng tạo, sự khéo léo và niềm đam mê của mình, chị Điềm đã thổi hồn vào những sợi len mỏng manh, biến chúng thành những con thú ngộ nghĩnh, những con búp bê sinh động.
Sinh năm 1972, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Điềm trở thành giáo viên dạy Hóa của trường THPT Cao Lộc. Sáu năm đứng trên bục giảng, chị được biết đến là một cô giáo xinh đẹp, hát hay, dạy giỏi, được bạn bè, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học sinh yêu quý. Thế nhưng, số phận dường như quá khắc nghiệt khi cùng một lúc, căn bệnh viêm dây thần kinh thị giác và viêm màng nhện tủy sống đột ngột ập đến khiến chị phải tạm rời xa bục giảng. Tính đến nay, đã 12 năm chị Điềm chống chọi với bệnh tật và những cơn đau thường xuyên. Dù phải di chuyển bằng đôi nạng gỗ, dù đôi mắt không còn sáng rõ nhưng chị vẫn hoàn thành công việc của một phụ nữ trong gia đình để chồng yên tâm công tác. Không cam chịu số phận, với niềm đam mê và nghị lực phi thường, chị đã tìm đến nghệ thuật móc thú len của Nhật Bản; tự mày mò, học hỏi và làm ra những món đồ lưu niệm xinh xắn.
Để làm ra một con thú len thường phải mất nửa ngày, thậm chí nhiều ngày; với giá bán 10-15 ngàn đồng/con thì thu nhập từ những món hàng lưu niệm này chỉ là một khoản nho nhỏ. Nhưng quan trọng hơn cả, nó giúp chị Điềm thỏa mãn sự đam mê, đem lại cho chị niềm vui và niềm tin yêu cuộc sống mà có lúc tưởng chừng như đã tắt. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Điềm chia sẻ: chị rất nhớ nghề và vẫn mong một ngày nào đó, khỏe lại để lại được đến trường, tiếp tục dìu dắt các thế hệ học sinh. Trong ngôi nhà nhỏ cách trường THPT Cao Lộc không xa, hàng ngày chị Điềm vẫn dành thời gian kèm cặp, giúp đỡ các em nhỏ quanh xóm ôn luyện, củng cố kiến thức và coi đó như một cách để góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp trồng người. Là một đồng nghiệp gắn bó với chị Điềm ngay từ những ngày đầu tiên mới về nhận công tác tại trường, cô giáo Nông Thủy Kiều, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Cao Lộc chia sẻ: các thầy, cô giáo trường chúng tôi luôn tự hào và cảm phục người đồng nghiệp của mình. Khi xưa chị Điềm luôn là một giáo viên vững về chuyên môn, mẫu mực về lối sống; giờ đây, dù không còn đứng trên bục giảng, song những kiến thức ấy vẫn được chị truyền đạt cho em học sinh qua việc giúp đỡ, kèm cặp các em.
Hàng ngày chị Điềm vẫn dành thời gian giúp các em nhỏ quanh xóm ôn bài
Số phận kém may mắn đã lấy đi của chị Điềm đôi mắt sáng và đôi chân khỏe mạnh, nhưng bên cạnh chị luôn có bờ vai vững chắc của người chồng đồng cam cộng khổ, niềm động viên tinh thần lớn lao từ cậu con trai chăm ngoan, học giỏi; từ các anh chị em trong gia đình. Và thêm nữa quanh chị luôn có những người bạn, những đồng nghiệp luôn sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia; những cô cậu học trò vẫn trìu mến gọi chị bằng hai tiếng “cô giáo”. Tất cả những điều ấy như tiếp thêm niềm tin và nghị lực để hàng ngày, chị Điềm vẫn kiên trì luyện tập từng động tác, từng bước đi với mong mỏi một ngày nào đó, bỏ được đôi nạng gỗ, chị có thể trở lại bục giảng với các học trò thân yêu.

Bảo Vy