Thứ năm,  19/09/2024

"Anh hùng đâu cứ phải mày râu"

LSO-Mặc dầu đang rất bận rộn với đàn gà nhưng chị Nguyễn Thị Huệ ở thôn Na Hoa, xã Hồ Sơn huyện Hữu Lũng cũng dành thời gian để trò chuyện với chúng tôi. Qua câu chuyện tôi được biết: Năm nay chị vừa tròn 50 tuổi, góa chồng đã 21 năm, làm một mình, lo một mình ... Vậy mà cứ tưởng chị mới ở độ tuổi 40. Chị Huệ đang hướng dẫn người lao động tiêm phòng dịch bệnh cho gàVừa bước vào cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” thì cuộc chiến tranh biên giới xảy ra, chị tòng quân lên đường vào bộ đội và được biên chế vào Trung đoàn 98 (đơn vị anh hùng), Sư đoàn 473, binh đoàn 12, làm công tác quân y. Năm 1983 xuất ngũ trở về địa phương chị xây dựng gia đình với anh Nguyễn Văn Cố người cùng làng. Rồi những đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống đang ngập tràn hạnh phúc thì năm 1991 không may anh Cố mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời, bỏ lại gánh nặng cho chị với 3 đứa con thơ dại, đứa thứ nhất mới 7 tuổi, đứa nhỏ...

LSO-Mặc dầu đang rất bận rộn với đàn gà nhưng chị Nguyễn Thị Huệ ở thôn Na Hoa, xã Hồ Sơn huyện Hữu Lũng cũng dành thời gian để trò chuyện với chúng tôi. Qua câu chuyện tôi được biết: Năm nay chị vừa tròn 50 tuổi, góa chồng đã 21 năm, làm một mình, lo một mình … Vậy mà cứ tưởng chị mới ở độ tuổi 40.
Chị Huệ đang hướng dẫn người lao động tiêm phòng dịch bệnh cho gà
Vừa bước vào cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” thì cuộc chiến tranh biên giới xảy ra, chị tòng quân lên đường vào bộ đội và được biên chế vào Trung đoàn 98 (đơn vị anh hùng), Sư đoàn 473, binh đoàn 12, làm công tác quân y. Năm 1983 xuất ngũ trở về địa phương chị xây dựng gia đình với anh Nguyễn Văn Cố người cùng làng. Rồi những đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống đang ngập tràn hạnh phúc thì năm 1991 không may anh Cố mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời, bỏ lại gánh nặng cho chị với 3 đứa con thơ dại, đứa thứ nhất mới 7 tuổi, đứa nhỏ nhất chưa đầy 3 tuổi.
Trong câu chuyện với tôi, chị xúc động thổ lộ: Những năm đầu khi anh ấy vừa mất tôi vất vả lắm, với hơn một mẫu ruộng, làm quần quật suốt ngày, hai sương một nắng, đi không biết mặt gà, về nhà không biết mặt chó thế mà vẫn chẳng đủ ăn.
Một hôm tình cờ đọc báo thấy có người giàu lên về chăn nuôi gà công nghiệp. Rồi tôi mạnh dạn thử làm theo họ xem. Ban đầu chỉ nuôi vài trăm con, nhưng kết quả thật không ngờ. Tôi phấn khởi lắm, và chính điều đó đã cuốn hút, thôi thúc tôi làm cái nghề này. Cũng may có một người bạn trong Nam ra chơi, giới thiệu, tôi đã cho 2 cháu trai vào Bình Dương vừa làm thuê, vừa để học tập kỹ thuật nuôi gà theo hướng công nghiệp. Năm 2007 học nghề xong, về nhà với số vốn tích lũy được và vay thêm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi mạnh dạn ký hợp đồng với Công ty Cpi chuyên sản xuất gà giống và thức ăn gia súc, gia cầm (ở Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) mua 500 con gà giống và thức ăn. Xuất lứa gà đầu tiên được lãi bao nhiêu tôi dồn vào đầu tư tiếp, mua thêm đất để mở rộng chuồng trại. Phương châm của tôi là lấy ngắn nuôi dài. Đến năm 2010 tôi đã có 4 trại gà ở 4 xã trong huyện là Hòa Thắng, Hồ Sơn, Sơn Hà, Đồng Tân với tổng số là 29 ngàn con. Tiền lãi từ bán gà hàng năm hiện nay tôi thu được trên 500 triệu đồng.
Nói về các khâu trong kỹ thuật nuôi gà chị cho biết: Nếu làm theo đúng kỹ thuật thì khâu nào cũng quan trọng, nhưng theo chị thì việc vệ sinh chuồng trại, phòng dịch bệnh cho gà là quan trọng hơn cả, vì thế mà năm 2008 các nơi xung quanh xảy ra dịch bệnh (H5N1) gà chết hàng loạt, thế mà mấy chục ngàn con gà của chị vẫn bình an vô sự.
Cùng với chăn nuôi gà, chị còn có 5 sào ao thả cá. Mỗi vụ bán cá cũng thu được trên 20 triệu đồng. Lợn thịt siêu nạc trong chuồng lúc nào cũng có trên dưới một trăm con. Một năm 3 lứa, trừ chi phí rồi cũng thu được gần 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, chị cũng đã trồng được 7 ha rừng, năm nay đến kỳ thu hoạch. Với khối lượng công việc như vậy, không kể số lao động của gia đình, chị còn thu hút thêm 17 lao động, phần lớn số lao động này là con em các gia đình cựu chiến binh ở địa phương. Mỗi tháng chị trả lương tùy theo loại lao động từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/người . Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Huệ còn khéo chăm lo giáo dục con cái. Những lúc rảnh rỗi, chị thường lấy gương những người tốt, việc tốt ở xung quanh kể cho các con nghe để học tập noi theo và nêu những việc xấu cho các con tránh. Cháu Nguyễn Văn Giáp và cháu Nguyễn Văn Thiệu, hai con trai của chị hiện nay đã được giao quản lý 2 trại chăn nuôi có trên 20.000 con gà, 1 ao thả cá 3 sào, 1,5 mẫu ruộng. Cô con gái út Nguyễn Thị Ly thì đang học ở Trường Cao đẳng nghề tỉnh Hải Dương cũng sắp ra trường.
Tháng 6/2011 cháu Nguyễn Văn Giáp được đi dự hội nghị ở tỉnh Lạng Sơn vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2005 – 2010 và được UBND tỉnh tặng bằng khen. Cuối năm 2011, Giáp được tặng bằng khen và trao “giải thưởng Lương Đình Của” – phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, dành cho nhà nông trẻ xuất sắc.
Trong nhiều năm liên tục trở lại đây gia đình chị đều đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Mọi người trong xóm ngoài làng đều quý mến, thương yêu nể phục một người con gái góa chồng lúc 29 tuổi, ở vậy thắt lưng buộc bụng thờ chồng nuôi con khôn lớn, trưởng thành mà không có điều tiếng gì. Tháng 10/2011, chị Nguyễn Thị Huệ vinh dự là đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi lần thứ III (2007-2011) và được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao phần thưởng tại Phủ Chủ tịch.

Chia tay chị Huệ, bất giác tôi nghĩ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Anh hùng đâu cứ phải mày râu”.

Trương Thọ