Thứ năm,  19/09/2024

Cô giáo tâm huyết vận động xây trường cho học trò nghèo vùng cao

(LSO) – Đó là cô giáo Nguyễn Thị Kiều Mỵ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Chí Minh, huyện Tràng Định. Với tấm lòng yêu thương học trò, nhiều năm qua, cô đã đóng góp công sức vận động ủng hộ xây dựng ngôi trường khang trang cho  học sinh nơi vùng cao còn nhiều khó khăn của xã, giúp các em có môi trường học tập tốt hơn.

Theo sự hướng dẫn của cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, vượt 30 km đường, mất hơn 1 giờ đồng hồ từ thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, chúng tôi tới Trường Tiểu học xã Chí Minh. Bởi gần một nửa đường đi vào trường quanh co, uốn lượn, đường đất, nhiều đá lởm chởm khó đi. Là một trường vùng khó, nhưng cơ sở vật chất nhà trường đến nay đã cơ bản được kiên cố hoá, có đầy đủ các phòng học, phòng chức năng phục vụ việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Dẫn chúng tôi thăm trường, cô Mỵ chia sẻ: sinh năm 1980, năm 2003,  tôi tốt nghiệp ngành sư phạm, sau khi được phân công về giảng dạy tại nhiều trường khác nhau, đến năm học 2016 – 2017, tôi được phân công đến quản lý tại Trường Tiểu học xã Chí Minh, “trường học bây giờ khác xưa nhiều lắm”, ngày đầu đến trường khiến tôi rất bất ngờ bởi cảnh trường lớp lụp xụp “nó khác xa so với cả những gì mà tôi mường tượng trước đó”.

Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Mỵ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Chí Minh (Tràng Định) được tuyên dương tại hội nghị điển hình tiên tiến ngành giáo dục huyện

Theo lời kể của cô, cả trường lúc ấy chỉ có 4 phòng học, nhưng 1 phòng học bị mưa bão làm tốc hết mái phải lấy vải mưa che tạm; phòng làm việc của giáo viên thì tận dụng một khu nhà kho cũ của hợp tác xã được xây năm 1969, tường nhà đã bong tróc nham nhở; mái nhà như trực sập xuống. “Nhà trường có bếp nấu ăn cho học sinh bán trú, nhưng căn bếp ấy được dựng bằng tre nứa quá tạm bợ”. Đặc biệt là trường không có nhà vệ sinh. Cơ sở vật chất “tồi tàn” khiến cô giáo lần đầu tiên đến trường cảm thấy hụt hẫng.

Ngày ngày chứng kiến học trò đến lớp với tà áo mong manh, chân trần lấm bẩn, ngồi học trong căn phòng rách nát đã thôi thúc cô Mỵ phải làm một điều gì đó để giúp các em. Nghĩ vậy, cô đã lập kế hoạch thực hiện công tác xã hội hoá xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất nhà trường với mong muốn giúp các em được học trong ngôi trường khang trang, kiên cố. Nhưng điều khó khăn là học sinh nơi đây cơ bản điều kiện hoàn cảnh gia đình thuộc hộ nghèo, thậm chí nhiều em vì nhà xa trường nên phải dựng lán tạm gần trường để ở, vậy nên việc vận động phụ huynh đóng góp là không khả thi.

Khó khăn là vậy, nhưng với quyết tâm của mình, cô Nguyễn Thị Kiều Mỵ đã chủ động phản ánh với cấp trên những khó khăn về cơ sở vật chất của nhà trường, đồng thời xin chủ trương và ngân sách của Nhà nước để sửa chữa trường lớp, nhưng kinh phí hạn chế không thể đáp ứng nhu cầu sửa chữa của nhà trường. Thấy vậy, cô Mỵ đã vận dụng hết mọi mối quen biết gần xa, lân la dò hỏi xin kinh phí từ các mạnh thường quân là các doanh nghiệp sản xuất đá, cát và gạch tại địa phương để được mua nguyên vật liệu xây dựng với giá ưu đãi, bù cho phần kinh phí còn thiếu hụt. Đồng thời, kết nối với các đoàn thiện nguyện, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; đặc biệt, đã có nhiều người là con em của địa phương thành đạt trở về  chung tay xây dựng Trường Tiểu học xã Chí Minh… Có kinh phí, cô lại tiếp tục vận động các phụ huynh chung tay ủng hộ ngày công lao động; vận động giáo viên ủng hộ ngày lương.

Theo thống kê, qua sự vận động của cô, trong giai đoạn từ năm học 2016 – 2017 đến nay, nhà trường đã nhận được các nguồn ủng hộ cả vật chất và tài chính trị giá hơn 1 tỷ đồng, đầu tư toàn bộ cho việc sửa sang trường lớp và các hạng mục khác. Tính riêng trong 2 năm học 2016 – 2017 và 2017 – 2018, thông qua vận động, nhà trường đã nhận được hỗ trợ xây dựng mới được 1 lớp học, tu sửa 4 lớp học đã xuống cấp; xây dựng 1 bếp ăn bán trú, nhà ăn, phòng công vụ cho giáo viên… Nhờ đó, đến nay, giáo viên và học sinh của trường đã có nơi giảng dạy, học tập, vui chơi tốt hơn.

Bà Nông Thuý Hiền, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tràng Định cho biết: Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng bằng tấm lòng và sự tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, cô Mỵ đã tạo cho các em học sinh vùng cao có điều kiện tốt hơn và có động lực để tiếp tục hành trình đi tìm con chữ. Những đóng góp của cô không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần tạo niềm tin to lớn của phụ huynh đối với ngành giáo dục nói chung.

HOÀNG TÙNG