Thứ năm,  19/09/2024

Người gìn giữ điệu múa sư tử mèo

(LSO) – Hỏi đường đến nhà ông Nông Văn Hiện, thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, nhiều người dân bản địa nói với tôi: À, nhà ông Hiện múa sư tử ấy à, đi đường này này… Ông ấy múa sư tử giỏi lắm, còn truyền dạy cho nhiều người ở nhiều nơi nữa…

Bà con nói vậy, tôi càng háo hức muốn được gặp ông, bởi ông vừa được Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh họp xét đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” về múa sư tử. Ông Nông Văn Hiện sinh năm 1964, dân tộc Nùng Phàn slình. Ông kể: Tôi đam mê múa sư tử từ bé, những buổi biểu diễn của các ông trong làng hầu như tôi không bỏ buổi nào để theo dõi. Ban đầu tôi “học lỏm” rồi về tự tập ở nhà. Sau này lớn hơn, tôi mạnh dạn tham gia múa cùng; dần dần, tôi thuần thục các động tác và thường xuyên được mời tham gia biểu diễn vào những dịp lễ tết trong làng, trong xã.

Ông Nông Văn Hiện bên các dụng cụ múa sư tử

Tuy nhiên, lớp người có tuổi, có kinh nghiệm về múa sư tử trong làng mất dần, lo lắng bản sắc văn hoá mai một nên năm 1986, ông đứng ra thành lập Đội Múa sư tử thôn Hợp Tân do ông làm đội trưởng. Từ đó đến nay, đội múa không ngừng lớn mạnh, từ chỗ chỉ có 18 người, nay đội múa đã tăng lên 60 người, với đầy đủ các lứa tuổi, trẻ nhất là 16 tuổi.

Ông Hiện cho biết: Hằng năm, cứ đến tháng Chạp là đội tổ chức tập luyện, ôn lại các động tác để biểu diễn vào dịp tết và các lễ hội xuân. Bình quân mỗi năm, Đội Múa sư tử thôn Hợp Tân được mời biểu diễn khoảng 5 cuộc ở nhiều lễ hội lớn như: chùa Bắc Nga, đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc), Háng Đắp (Lộc Bình); Đền Kỳ Cùng – Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn)… Đội còn được mời biểu diễn ở các sự kiện lớn do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Theo tìm hiểu, múa sư tử (sư tử mèo) của người Nùng Phàn slình ở thôn Hợp Tân, xã Gia Cát có 6 điệu, với các động tác phù hợp với từng không gian, hoàn cảnh biểu diễn, bao gồm: múa đi đường; múa trên sân khấu; múa chào khán giả; múa chào nhau; múa vào nhà và múa nả lình báo đông. Trong đó, theo ông Hiện, khó nhất là các động tác và bước đi theo nhịp trống. Qua nhiều năm truyền dạy, lớp lớp người ở trong thôn đã kế thừa được các điệu múa, để mỗi khi tết đến xuân về, mọi người trong đội múa và đông đảo bà con lại tập trung thưởng thức các điệu múa, nhịp trống, thanh la, chũm choẹ (những dụng cụ đệm âm thanh cho múa sư tử).

Không chỉ truyền dạy ở địa phương, nhiều năm qua, ông còn được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận để mở một số lớp dạy múa sư tử tại các huyện. Trong đó, mở 1 lớp ở huyện Lộc Bình, với 32 người tham dự (năm 2017); 1 lớp ở Bắc Sơn với 16 người học (năm 2018). Những đóng góp của ông đã góp phần thúc đẩy phòng trào xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn.

Bên cạnh đó, ông còn tham gia nhiều công tác xã hội tại cơ sở, khu dân cư. Trong đó, giai đoạn 2004 – 2011, ông là đại biểu HĐND xã Gia Cát; giai đoạn 2015 – 2019, ông là Phó Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn. Từ năm 2019 đến nay, ông là Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng thôn Hợp Tân, xã Gia Cát.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Cát, huyện Cao Lộc nhận xét: Ông Nông Văn Hiện rất nhiệt tình trong các mặt công tác, phong trào, nhất là phong trào văn hoá, văn nghệ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị điệu múa sư tử truyền thống. Ông cũng luôn chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm đưa khu dân cư ngày càng phát triển…

HOÀNG HUẤN