Thứ sáu,  20/09/2024

Hội viên phụ nữ đan vật dụng tái chế từ rác thải nhựa

– Đó là chị Hoàng Thị Choi (sinh năm 1976) trú tại tổ 4, khối 1, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc. Với sự khéo léo, nhanh nhẹn, chị Choi đã biến những sợi dây nhựa bỏ đi thành những sản phẩm đan lát đẹp mắt, góp phần bảo vệ môi trường và mang lại thu nhập cho gia đình.

Đến khối 1, thị trấn Cao Lộc, nhắc tên chị Choi hầu như ai cũng biết bởi chị là người duy nhất tại đây làm ra những chiếc giỏ hoa, chậu cây cảnh, những chiếc làn… từ rác thải nhựa. Chị Choi cho biết: Từ bé, tôi đã được bà ngoại dạy đan rổ, rá bằng tre. Sau khi lập gia đình, nhận thấy nhiều người có nhu cầu tìm mua các sản phẩm đan lát phục vụ gia đình, tôi cũng làm rổ rá để kiếm thêm thu nhập. Từ năm 2018, tôi bắt đầu làm nghề đan lát các vật dụng sinh hoạt từ dây nhựa.

Chị Hoàng Thị Choi (bên trái) đang bày bán những chiếc giỏ nhựa tái chế

Nhận thấy quanh khu vực sinh sống có rất nhiều cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, cơ sở sản xuất hằng ngày thải ra một lượng lớn các loại dây nhựa bền và đẹp, tuy nhiên, toàn bộ lượng rác thải này đều bị vứt bừa bãi tại các bến xe, thùng rác, dọc đường quốc lộ gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường. “Tận dụng nguồn dây nhựa với nhiều màu sắc đa dạng, tôi đã nghĩ ra ý tưởng tái chế những sợi dây này thay thế cây tre để đan thành những sản phẩm túi, giỏ, chậu cây cảnh… Những ngày đầu mới làm, tôi gặp không ít khó khăn vì dây nhựa cứng cứa vào tay chảy máu. Thời điểm đó, mỗi ngày tôi chỉ làm được 1 hoặc 2 chiếc giỏ, chủ yếu để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình. Một lần, có chị hàng xóm qua chơi thấy những chiếc giỏ do tôi làm ra độc lạ , đẹp mắt nên đã ngỏ ý muốn mua về dùng. Dần dần có nhiều người biết đến nên vật dụng nhựa tái chế của tôi làm ra ngày càng được nhiều người tìm mua”, chị Choi cho biết thêm.

Chị Mai Hồng Vân, hội viên Chi hội phụ nữ khối 1, thị trấn Cao Lộc cho biết: Sau khi biết đến sản phẩm giỏ nhựa tái chế của chị Choi, tôi đã mua rất nhiều giỏ, chậu cây cảnh với các kích cỡ, kiểu dáng khác nhau để vừa có thể đi chợ, đi chơi hoặc làm chậu trồng hoa. Những vật dụng này vừa để trang trí đẹp mắt vừa giúp tôi hạn chế sử dụng những đồ nhựa dùng một lần như túi nilon… giúp bảo vệ môi trường.

Hiện, trung bình mỗi tháng, chị Choi làm được khoảng 100 chiếc làn, giỏ đựng với nhiều kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Toàn bộ nguyên liệu được chị lấy từ các xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn. Những chiếc giỏ nhựa tái chế được bán với giá từ 20 đến 100 nghìn đồng/chiếc tùy kích cỡ. Toàn bộ sản phẩm chị làm ra đều được bán hết, khách hàng chủ yếu là người dân trên địa bàn huyện và các huyện lân cận. Nhờ đó, chị có thêm thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng.

Chị Hoàng Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khối 1, thị trấn Cao Lộc cho biết: Chi hội phụ nữ khối 1, thị trấn Cao Lộc hiện có 110 hội viên. Chị Choi là một trong những hội viên phụ nữ của chi hội rất tích cực tham gia các phong trào của hội, nhiệt tình hướng dẫn các hội viên phụ nữ khác có nhu cầu học đan giỏ nhựa tái chế bảo vệ môi trường… Nhận thấy ý tưởng đan làn, giỏ từ dây nhựa tái chế của chị Choi rất thiết thực, chi hội phụ nữ khối đã thành lập câu lạc bộ “Tổ phụ nữ xách làn đi chợ”. Qua đó, các hội viên mua làn, giỏ nhựa tái chế và thường xuyên sử dụng đi chợ đựng thực phẩm nhằm hạn chế lượng túi nilon thải ra môi trường.

Với đôi tay khéo léo của chị Choi, những năm qua, các sợi dây nhựa bỏ đi nay lại trở thành những sản phẩm có ích, phục vụ nhu cầu của con người trong cuộc sống hằng ngày. Cũng từ đây, ý tưởng “Sản xuất làn nhựa bằng phương pháp thủ công” của chị Choi đã vinh dự đạt chứng nhận “Ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp tiêu biểu” tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức năm 2020. Với những nỗ lực đó, tháng 7/2021, chị Choi vinh dự được Hội LHPN tỉnh tặng bằng khen đạt danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu” nhiệm kỳ 2016 – 2021.

LIỄU CHANG