Thứ sáu,  20/09/2024

Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy ở các di tích

(LSO) – Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các lễ hội là vấn đề đã và đang được lực lượng chức năng quan tâm thực hiện với nhiều biện pháp như: tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn… để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách trong mùa lễ hội.

Năm nay, lễ hội xuân Xứ Lạng diễn ra vào đúng thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đang diễn biến phức tạp, vì thế, để phòng chống dịch bệnh, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng tất cả các hoạt động lễ hội trên địa bàn. Tuy nhiên, do nhu cầu tâm linh, người dân và du khách vẫn tìm đến các di tích để dâng hương, lễ bái, cầu may mắn cho năm mới. Do đó, lực lượng chức năng vẫn tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và cứu hộ cứu nạn tại các di tích trên địa bàn, đặc biệt là vào thời điểm diễn ra lễ hội thường niên.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC-CHCN, Công an tỉnh kiểm tra thiết bị PCCC tại Chùa Tân Thanh (huyện Văn Lãng)

Thượng tá Hoàng Hùng Hải, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC – Cứu hộ cứu nạn (CHCN), Công an tỉnh cho biết: Để đảm bảo an toàn PCCC tại các lễ hội trên địa bàn, ngay từ đầu tháng 1/2020, đơn vị đã tham mưu xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn PCCC các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Canh Tý và các hoạt động lễ hội Xuân năm 2020. Đồng thời, chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với công an các huyện, thành phố nơi diễn ra các hoạt động lễ hội, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể, đảm bảo an toàn PCCC.

Để đảm bảo công tác PCCC, ngay từ đầu năm 2020, Phòng Cảnh sát PCCC-CHCN đã tổ chức cho các ban quản lý di tích ký cam kết và tăng cường kiểm tra các thiết bị đảm bảo PCCC ở các đình, đền, chùa.

Từ tháng 1/2020 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra được 11 di tích trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, tập trung kiểm tra hệ thống điện, việc bố trí tài sản, hàng hoá, phương tiện, lối thoát hiểm, sử dụng nguồn nhiệt, lửa tại các nơi thắp hương, hoá vàng mã; tình trạng, khả năng hoạt động của phương tiện PCCC tại chỗ; trách nhiệm người đứng đầu cơ sở, ban quản lý, di tích trong việc thực hiện công tác PCCC phạm vi quản lý, qua đó khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót. Đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền  Luật PCCC, các văn bản, quy định về công tác đảm bảo an toàn PCCC và CHCN.

Thượng tọa Thích Bản Chung, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, trụ trì Tân Thanh (huyện Văn Lãng) cho biết: Để đảm bảo an toàn PCCC ban quản lý chùa phối hợp với công an huyện kiểm tra, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị PCCC, hệ thống điện, tăng cường bố trí lực lượng thường trực, nghiêm cấm thắp hương trong chùa, bố trí nơi thắp hương, hóa vàng riêng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền công tác đảm bảo an ninh trật tự và PCCC trên loa phát thanh để nhắc nhở du khách, người dân nâng cao cảnh giác, chấp hành nghiêm công tác đảm bảo an toàn PCCC, tuyệt đối không thắp hương trong khu vực thờ tự.

Cùng với đó, Công an tỉnh đã phát 6.200 áp phích, 160.000 tờ rơi tuyên truyền quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, sử dụng vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đảm bảo an toàn PCCC… Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về an toàn PCCC và CHCN cho nhân dân, du khách. Chị Hoàng Thị Xuân, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Đọc tờ rơi, tôi nhận thức được sự cần thiết của việc  thắp hương, hóa vàng  tại các di tích đình, chùa đúng nơi quy định để phòng ngừa nguy cơ cháy nổ.

Mặt khác, để đảm bảo an toàn PCCC tại các di tích, Phòng Cảnh sát PCCC – CHCN, Công an tỉnh đã phân công lực lượng, phương tiện thường trực bảo vệ trước, trong thời gian diễn ra hoạt động lễ hội để chủ động giải quyết các tình huống xảy ra.

MINH NGỌC