Thứ sáu,  20/09/2024

Phát huy truyền thống, noi gương anh Hoàng Văn Thụ

Người dân tham quan và tìm hiểu về các tài liệu ảnh, hiện vật trong triển lãm chuyên đề “Hoàng Văn Thụ – sáng mãi tên anh. ” Ảnh: LA MAI

(LSO) – Trong những ngày này, nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng đang tưng bừng các hoạt động hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 – 4/11/2019). Nhân dịp này, Báo Lạng Sơn đã ghi lại những đánh giá, khẳng định vai trò của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Xứ Lạng trên nhiều lĩnh vực, qua đó tiếp tục phát huy truyền thống, noi gương anh Hoàng Văn Thụ trong thời kỳ hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Đồng chí Hoàng Văn Thụ – Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Trong suốt chặng đường gần 20 năm hoạt động cách mạng, với sự nỗ lực, trách nhiệm của một cán bộ cấp cao của Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp lớn lao trong việc xây dựng, phát triển các tổ chức cơ sở đảng, tuyên truyền và đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, báo chí cũng như trong công tác vận động quần chúng… Đồng chí đã góp phần vào việc phát triển tổ chức Đảng, phong trào cách mạng quần chúng ở các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên; củng cố nhiều cơ sở Đảng ở Hà Nội và các tỉnh: Hà Đông, Vĩnh Yên, Quảng Ninh và Hải Dương… Sự phát triển vững chắc của hệ thống tổ chức cơ sở Đảng ở các tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng và phát triển phong trào cách mạng trên một địa bàn rộng lớn. Quá trình hoạt động của đồng chí trên nhiều địa bàn, ngoài nước, trong nước, miền núi, đồng bằng, trong hầm mỏ, nhà máy… đã thể hiện quan điểm về cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu rộng.

Ghi nhận những công lao và đóng góp to lớn của đồng chí Hoàng Văn Thụ với Đảng và cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nói đến đây, tôi phải nhắc đến những đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như: đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh,… Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, cành nó càng to và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”.

Tiến sĩ Lê Thị Hằng, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Những hoạt động trên lĩnh vực báo chí của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã góp phần quan trọng xây dựng nền tảng của báo chí cách mạng Việt Nam”.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn quan tâm và trực tiếp chỉ đạo công tác báo chí. Đồng chí đồng thời là một nhà thơ, nhà báo cách mạng. Những hoạt động trên lĩnh vực báo chí của đồng chí đã góp phần quan trọng xây dựng nền tảng của báo chí cách mạng Việt Nam.

Đầu năm 1933, theo chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Hoàng Văn Thụ được chỉ định là Bí thư Đảng bộ đặc biệt Long Châu, đồng thời có nhiệm vụ về Lạng Sơn tuyên truyền, vận động thanh niên sang dự các lớp huấn luyện ở Long Châu. Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng chí Lê Hồng Phong đã chỉ đạo Đảng bộ đặc biệt Long Châu xuất bản báo Tranh đấu, cử Hoàng Văn Thụ làm Chủ nhiệm, đồng thời tham gia viết bài, chỉ đạo biên tập và tổ chức in ấn, phát hành. Đây là sự kiện đánh dấu việc Hoàng Văn Thụ bắt đầu tham gia lĩnh vực báo chí cách mạng Việt Nam.

Đầu năm 1937, đồng chí Hoàng Văn Thụ trở về Cao Bằng trực tiếp chỉ đạo phong trào. Báo Tranh đấu, truyền đơn và các sách báo địa phương cũng được đồng chí đưa in tại Cao Bằng, phục vụ kịp thời phong trào cách mạng đang phát triển. Đồng chí Hoàng Văn Thụ chỉ đạo Đảng bộ Cao Bằng xuất bản tờ Lao động, đồng thời hướng dẫn tổ chức, in ấn và tham gia viết bài cho báo.

Trên cương vị là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, sau đó là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương, dù công việc nặng nề với trọng trách chỉ đạo chung phong trào cách mạng Bắc Kỳ, tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn dành thời gian và tâm huyết xây dựng, phát triển báo chí cách mạng cũng như trực tiếp tham gia viết báo tuyên truyền và vận động quần chúng. Sự ra đời của tờ báo Giải phóng – cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy; báo Kèn gọi lính; báo Chiến đấu – tổ chức Quân nhân cứu quốc xuất bản lưu hành riêng trong binh lính… là minh chứng cho những đóng góp của đồng chí Hoàng Văn Thụ với báo chí cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Lê Quang Vịnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng: “Đồng chí Hoàng Văn Thụ có những đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng tỉnh Cao Bằng”.

Cuối tháng 12/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương Đảng phân công phụ trách một nhóm gồm 3 người đi Tịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để báo cáo với Người về tình hình phong trào cách mạng trong nước và xin chỉ thị về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8.

Sau khi nghe đồng chí báo cáo tình hình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho biết Người dự kiến sẽ về nước xây dựng căn cứ địa cách mạng trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đề nghị Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua lối Cao Bằng vì trình độ giác ngộ cách mạng của nhân dân dọc biên giới tương đối cao và đội ngũ cán bộ ở đây khá vững vàng; Cao Bằng lại đã có khu du kích ở vùng Lục Khu ngay dọc biên giới Việt – Trung.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rất tán thành với đề nghị của đồng chí Hoàng Văn Thụ và chỉ thị đồng chí về Cao Bằng chuẩn bị ngay địa điểm để Người và các cán bộ trở về Tổ quốc. Nhận chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Hoàng Văn Thụ trở về liên lạc và làm việc ngay với Tỉnh ủy Cao Bằng để chuẩn bị địa điểm đón Người về nước.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng. Sau đó, đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử vào Tổng bộ Việt Minh lâm thời. Đồng chí đã ra sức xây dựng, phát triển phong trào Việt Minh, củng cố, giữ vững cơ sở Đảng và phong trào quần chúng ở những địa phương gặp khó khăn như: thành phố Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Vĩnh Yên…

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn khắc ghi công lao, những đóng góp to lớn của đồng chí Hoàng Văn Thụ đối với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và sự phát triển của Đảng bộ và phong trào cách mạng tỉnh Cao Bằng.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Nam, Bí thư Tỉnh đoàn Lạng Sơn: “Thanh niên Lạng Sơn noi gương đồng chí Hoàng Văn Thụ trong việc lựa chọn lý tưởng”.

Nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi đã từng nói: “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Lý tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta muốn đạt tới, nó rất quan trọng đối với bất cứ ai, đối với tất cả mọi người và với đồng chí Hoàng Văn Thụ cũng vậy.

Mặc dù gia đình có đủ điều kiện cho đồng chí học cao hơn để có thể “kiếm danh lợi” trong xã hội thuộc địa lúc đó nhưng với những gì được nghe, được nhìn thấy đang diễn ra trên quê hương, đất nước mình, sự thống khổ của những người dân mất nước và khí thế sục sôi của phong trào cách mạng, Hoàng Văn Thụ đã không chọn cho mình con đường đó. Đồng chí đã sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh để theo đuổi chí hướng, lý tưởng của mình là cùng đồng chí, đồng đội đi làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức, nô lệ, lầm than.

Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn nói chung và lớp lớp thanh niên Lạng Sơn nói riêng. Phát huy truyền thống, học tập và noi theo tấm gương sáng của đồng chí Hoàng Văn Thụ, trong suốt các giai đoạn lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các thế hệ thanh niên Lạng Sơn đã không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện và lựa chọn lý tưởng sống cho mình là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

THANH HUYỀN