Thứ sáu,  20/09/2024

Công tác đối ngoại được thực hiện tích cực, hiệu quả, triển khai đồng bộ, toàn diện trên cả ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân

(LSO) – Về bố cục của dự thảo, tôi nhất trí với bố cục trình bày và nội dung dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII. Qua nghiên cứu nội dung, tôi thấy dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đầy đủ, ngắn gọn, súc tích, không chồng chéo, khái quát cao, phù hợp với thực tiễn của đảng bộ, đặc thù địa phương, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.

Đồng chí Trịnh Tuyết Mai.  Ảnh: HOÀNG CƯỜNG

Tuy nhiên, tại trang 14, phần nội dung liên quan đến đánh giá về “công tác đối ngoại” (Phần I. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Mục 3. Quốc phòng, an ninh, tư pháp được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, công tác đối ngoại được mở rộng và phát triển), tôi đề nghị chỉnh sửa, bổ sung như sau:

“Công tác đối ngoại được thực hiện tích cực, hiệu quả, triển khai đồng bộ toàn diện trên cả ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, ổn định khu vực biên giới để phát triển, phát huy lợi thế cửa khẩu của tỉnh. Quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu, thông qua các  chương trình, cơ chế hợp tác hiện có giữa hai bên, cụ thể như: Trong nhiệm kỳ đã phát huy hiệu quả: Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân giữa Bí thư Tỉnh ủy các  tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) – Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); cơ chế Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và chính quyền khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); cơ chế giao lưu giữa các cơ quan đảng, đoàn thể: Ban Tổ chức, Ban Nội chính, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ,…; cơ chế giao lưu hợp tác giữa các ngành: công an; biên phòng; ngoại vụ; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch; nông nghiệp; giáo dục và đào tạo; y tế, Ban Quản lý khu khu kinh tế cửa khẩu…; cơ chế giao lưu hữu nghị giữa các huyện, thị biên giới: đã có 5 cặp huyện – thị biên giới ký kết thiết lập quan hệ “huyện – thị hữu nghị quốc tế”, có 12 cặp thôn bản biên giới ký kết thôn bản hữu nghị biên giới; 11 đồn  biên phòng ký kết “đồn – trạm  hữu nghị, biên giới bình yên”… tạo môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Quan hệ hợp tác cấp địa phương với một số đối tác các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Pháp và các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, khu vực tại Việt Nam được tăng cường mở rộng và bước đầu phát huy hiệu quả.

Tại điểm 3.6 ( Phần IV. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Mục 3. Tăng cường quốc phòng, an ninh, tư pháp, mở rộng đối ngoại; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển) trang 40, về “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, tôi đề nghị chỉnh sửa, bổ sung như sau:

“Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. (1) Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, khu vực và các đối tác có quan hệ hợp tác với tỉnh. Chủ động, tích cực công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, xác định hội nhập kinh tế quốc tế làm trọng tâm, triển khai các giải pháp đột phá về hội nhập quốc tế nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh”. Tiếp tục thúc đẩy tăng cường và mở rộng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây và các địa phương khác của Trung Quốc; (2) Giữ vững chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia, cùng xây dựng khu vực biên giới hoà bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển; tiếp tục duy trì thúc đẩy phát triển quan hệ giao lưu hợp tác với các địa phương của các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Pháp, các nước có quan hệ truyền thống và các cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế, khu vực tại Việt Nam”.

TRỊNH TUYẾT MAI (Giám đốc Sở Ngoại vụ)