Thứ năm,  19/09/2024

Lan tỏa giá trị các làn điệu dân ca Xứ Lạng

(LSO) – Khi những cành đào đang bắt đầu bung mình khoe sắc thắm, cũng là lúc khắp các bản làng Xứ Lạng lại ngân lên những bản hòa âm độc đáo của các làn điệu dân ca. Những làn điệu dân ca ấy đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Xứ Lạng mỗi độ xuân về.

Để hiểu rõ hơn về những làn điệu dân ca đặc sắc của Xứ Lạng, chúng tôi tìm gặp nhà nghiên cứu Hoàng Huy Ấm, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh. Tiếp chúng tôi bên chén trà ấm đầu xuân, ông cho biết: Hát dân ca là một hình thức sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng, khi hát, đồng bào sử dụng ngôn ngữ dân tộc và trang phục truyền thống, không chỉ tạo được nét văn hóa đặc trưng, mà còn góp phần truyền bá ngôn ngữ, khuyến khích mọi người tìm hiểu cái hay, cái đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình.

Người Nùng, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc thể hiện những điệu Sli giao duyên vào dịp đầu xuân

Tại Lạng  Sơn hiện có 7 dân tộc chính: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mông và Sán Chay (hay còn gọi là Cao Lan, Sán Chỉ), Những làn điệu dân ca của các dân tộc đã cùng hòa quyện tạo nên bức tranh nghệ thuật dân gian đặc sắc của Xứ Lạng. Tuy nhiên, làn điệu dân ca của mỗi dân tộc lại được thể hiện thông qua những sắc thái, cách thức và tên gọi khác nhau như: người Tày có hát then, đàn tính, hát lượn, cò lẩu, hát ví, hát phong slư; người Nùng có hát sli, hát hèo phưn; người Dao có làn điệu páo dung; với người Mông, dân ca giao duyên của họ chia làm 2 mảng chính là hát đối đáp và hát tự sự; dân ca giao duyên của người Sán Chay ở Lạng Sơn được gọi là sắng cọ hoặc piac nhặt cọ; hát giao duyên của người Hoa tại Lạng Sơn được gọi là shán cố (hát Sơn ca).

Mặc dù mang nét đặc trưng như vậy, nhưng những làn điệu dân ca của các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng không tránh khỏi việc bị biến đổi và mai một. Trước thực trạng đó, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp như: nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu về những làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc. Từ năm 2011 đến nay, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) đã kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thiết thực được ngành VHTTDL tổ chức như: vinh danh khen thưởng các nghệ nhân; tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ hát then, đàn tính; mở lớp truyền dạy dân ca cho các thế hệ kế cận. Được biết, từ năm 2016 đến nay, Sở VHTTDL đã mở được 10 lớp truyền dạy các loại hình dân ca như: hát then, đàn tính; hát Sắng cọ; hát Sli; hát Páo Dung… cho trên 3.000 lượt người theo học.

Đóng góp vào thành công của việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể phải kể đến vai trò của các tổ chức hội đặc thù. Nổi bật là Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh đã góp phần tích cực, có hiệu quả cùng với nhà nước và xã hội làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị những làn điệu dân ca. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được khoảng 500 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ quần chúng, thu hút gần 10.000 hội viên tham gia sinh hoạt. Bên cạnh đó, một số trường học tại các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Cao Lộc, Chi Lăng, Lộc Bình đã quan tâm đưa hoạt động truyền dạy dân ca vào nội dung sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh.

Nhờ nỗ lực đó, những làn điệu dân ca cổ như: hát then, hát sli, páo dung, xắng cọ… đã thực sự trở lại với cộng đồng. Đáng chú ý, từ năm 2017 đến nay, loại hình dân ca hát then, sli của người Tày, Nùng tỉnh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, tháng 6/2019, tỉnh có 3 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 18 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Trong đó, chiếm đến 80% các nghệ nhân được phong tặng đều ở lĩnh vực dân ca truyền thống.

Vinh dự hơn nữa khi vào cuối năm 2019, “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái” của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây  không chỉ là một tin vui đối với các nghệ nhân, mà còn là niềm vui, niềm tự hào của người dân, đồng thời thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá về thực trạng tình hình dân ca các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, xây dựng kế hoạch, dự án về bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca. Đồng thời, tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan dân ca, tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh toàn dân trong bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc…

Một năm mới nữa đã đến, chắc hẳn trong chúng ta khi có dịp nghe các làn điệu dân ca truyền thống của mỗi dân tộc đều cảm thấy yêu và trân trọng hơn những vốn quý văn hóa mà ông cha ta đã dày công bồi đắp, gìn giữ. Trân quý hơn nữa khi những làn điệu dân ca này được cả cộng đồng chung tay gìn giữ, phát huy. Để trong nhịp sống hiện đại này, những điệu dân ca truyền thống ấy ngày càng lan tỏa và khẳng định sức sống với thời gian.


Những người “giữ lửa” dân ca

(LSO) – Một năm mới lại đến, cùng với hương vị tết cổ truyền, những người nghệ nhân vẫn luôn âm thầm, cống hiến sức mình vào bảo tồn và lưu giữ những làn điệu dân ca mang đậm bản sắc của quê hương Xứ Lạng.

Nghệ nhân Nhân dân Nông Thị Lìm, 74 tuổi, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc (lĩnh vực trình diễn, thực hành then):Truyền dạy dân ca cần sự tâm huyết, cống hiến hết mình với lòng tự hào, tự tôn dân tộc”

Cuối năm 2019, thực hành then được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hơn nữa đây còn là nét đẹp văn hóa dân tộc rất đặc sắc, thiêng liêng của người dân xứ Lạng. Với tâm nguyện giữ gìn những giá trị đó, nhiều năm qua ngoài việc thực hành các nghi lễ then cổ, tôi đã  truyền dạy loại hình này cho hơn 150 học trò. Đối với tôi, công việc truyền dạy dân ca không đơn thuần chỉ là truyền thụ lại những kinh nghiệm đã có mà cần đòi hỏi cả cái tâm, tâm huyết được cống hiến cho nhân dân, là lòng tự tôn dân tộc, niềm tự hào về các làn điệu dân ca quê hương. Ở tuổi này, tôi chỉ có một mong ước đó là tiếp tục tìm được những hạt nhân then thực sự có năng khiếu và tâm huyết với then cổ, từ đó gây dựng được phong trào nghệ thuật quần chúng sôi nổi, có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Mai Ven, 52 tuổi, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc (nắm giữ loại hình dân ca hát Sli của người Nùng): “Cần quan tâm đến công tác biên soạn giáo trình và mở các lớp truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ”.

Trong tiếng Nùng thì Sli có nghĩa là thơ. Hát sli của người Nùng chính là một loại hình dân ca vô cùng độc đáo khi không cần phải có nhạc cụ đệm hay vũ điệu đi kèm. Là người dân tộc Nùng, lớn lên với những câu sli đậm chất trữ tình đã vun đắp trong tôi tình yêu quê hương xứ Lạng. Đáng tự hào hơn khi năm nay, hát sli của người Nùng Lạng Sơn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vì thế, tôi muốn những điệu Sli này tiếp tục được phát triển rộng rãi và đặc biệt là sự tiếp nối của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, hiện nay việc truyền dạy hát Sli chủ yếu mang tính tự phát. Do đó, tôi rất mong muốn các cấp, ngành chức năng quan tâm nhiều hơn đến công tác biên soạn giáo trình và mở các lớp dạy hát Sli cho thế hệ trẻ, bởi đây là lớp người kế cận, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân Triệu Thị Múi, 61 tuổi, xã Vĩnh Tiến, huyện Tràng Định (nắm giữ loại hình dân ca Páo dung của người Dao): “Tích cực trong các hoạt động biểu diễn và phát huy giá trị làn điệu Páo dung của dân tộc”.

Hát Páo dung đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao ở Vĩnh Tiến từ nhiều đời nay. Với người Dao chúng tôi, hát Páo dung luôn được giữ gìn như báu vật.

Bản thân tôi cũng đã có hơn 40 năm gắn bó với làn điệu này. Để góp phần quảng bá giá trị đặc sắc của hát Páo dung tôi đã tham gia nhiều chương trình liên hoan, giao lưu dân ca trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó, tôi đã sưu tầm và tập hợp một số tư liệu về những điệu Páo dung truyền dạy cho các con, các cháu trong thôn, xã. Hằng năm, tôi cũng tích cực tham gia vào các cuộc hát Páo dung tại mỗi thôn, xã, liên xã nhằm đưa Páo dung trở lại phục vụ cuộc sống, gắn với các hoạt động trong các lễ hội hàng năm để người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia, nhất là thế hệ trẻ.

TUYẾT MAI