Thứ sáu,  20/09/2024

Ấn tượng Tết cung đình triều Nguyễn

Không gian triển lãm “Cung đình đón Tết”. Ảnh: LÊ TÌNH

Ðến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, sẽ dễ dàng bắt gặp không gian trưng bày đặc biệt mang tên “Cung đình đón Tết”. Ðây là triển lãm đang được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) phối hợp Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức khai mạc với mong muốn tái hiện một phần bức tranh Tết nơi cung đình triều Nguyễn xưa.

Đây là lần đầu, phiên bản của 80 tài liệu lưu trữ tiêu biểu về Tết Nguyên đán trong cung đình thuộc khối Châu bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới được lựa chọn trưng bày để giới thiệu đến công chúng những nghi lễ đón Tết long trọng nơi hoàng cung triều Nguyễn. Diễn ra đến ngày 23-2 với bố cục gồm ba chủ đề: Lễ nghi chuẩn bị đón Tết long trọng; Tất niên-tiễn năm cũ, đón năm mới; Ðầu năm đón phúc, tiết xuân ban lộc và đề cao chữ hiếu, triển lãm “Cung đình đón Tết” đã khắc họa sinh động quy trình đón Tết của vua quan triều Nguyễn từ khâu chuẩn bị đến những nghi thức cần cử hành trong ngày Tết chính.

Theo đó, ngay từ mồng một tháng Chạp, việc sửa soạn để đón Tết hoàng cung đã diễn ra với lễ ban lịch năm mới cho các quan tại Ðiện Thái Hòa, gọi là Lễ Ban sóc. Triều đình sau đó ấn định ngày nghỉ Tết và trang trí hoàng cung, khắp nơi bắt đầu rộn ràng không khí Tết. Tiếp đó là Lễ Hợp hưởng, tức nghi lễ thỉnh các vị tiên đế về ăn Tết với triều đình thường được cử hành vào ngày 22 tháng Chạp. Ðây là nghi lễ khá gần gũi với tục thỉnh gia tiên về đón Tết của dân gian. Gắn liền Lễ Hợp hưởng là Lễ Phong ấn thường được cử hành ngày 25 tháng Chạp. Nghi lễ này biểu thị việc tạm ngưng công việc triều chính để chuẩn bị đón Tết. Trước khi cho vào hòm niêm phong, các kim sách, kim bảo được lau chùi cẩn thận cho nên lễ này còn được gọi là Lễ Phất thức. Ðến đầu năm mới, khi chọn ngày tốt vào thượng tuần tháng Giêng làm Lễ Khai ấn, công việc triều chính mới tiếp tục trở lại. Những ngày cuối tháng Chạp, vào tiết Lập xuân, vua quan triều Nguyễn còn cử hành Lễ Nghênh xuân, Tiến xuân. Ðây là nghi lễ quan trọng mang ý nghĩa đón xuân để dẫn hòa khí, cũng là thể hiện tinh thần trọng nông, ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ngày cuối cùng của năm, tức 30 tháng Chạp, hoàng cung thực hiện nhiều nghi lễ thiêng liêng để tống tiễn hết những điều xấu của năm cũ, đón những điều tốt đẹp của năm mới. Ngay từ sáng sớm, hoàng tử và các hoàng thân đã tiến hành Lễ Tuế trừ ở các miếu. Lễ xong, triều đình làm Lễ Thượng tiêu tức lễ dựng nêu. Ðây là nghi lễ đặc biệt để mừng Tết đến xuân sang, cầu cho thời tiết thuận hòa, chúng dân bình an, no ấm. Việc dựng nêu được đích thân nhà vua chỉ huy ở Ðiện Thái Hòa. Còn các thân công, hoàng tử, quan đại thần được phân công dựng nêu ở các miếu điện, đền thờ tại kinh đô. Khi cây nêu ở Ðiện Thái Hòa được dựng lên là lúc báo hiệu một năm mới đã cận kề.

Ðầu năm mới, nhà vua đích thân đến cung hoàng mẫu để làm lễ chúc mừng. Nghi lễ này thể hiện rõ tinh thần đề cao chữ hiếu của hoàng cung triều Nguyễn. Làm lễ xong, vua ngự ở Ðiện Thái Hòa để bách quan dâng biểu mừng. Nếu việc thưởng Tết ngày nay thường được thực hiện trước Tết thì ở dưới triều Nguyễn, vua ban thưởng cho bá quan văn võ và ban ân chiếu rộng khắp cho chúng dân vào đúng ngày Tết. Các tài liệu lưu trữ cho thấy, từ mồng một Tết, vua ban yến và thưởng Tết cho các hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên. Mồng hai Tết, vua ban yến tiệc, tiền vàng cho các quan văn từ lục phẩm, quan võ từ ngũ phẩm trở xuống. Mồng ba Tết, vua ban yến cho binh lính trấn giữ ở các đồn lũy… Các nghi thức đón Tết này được gìn giữ qua các năm nhưng cũng thay đổi linh hoạt qua từng năm. Chẳng hạn, nếu xảy ra thiên tai, mất mùa, các nghi lễ sẽ được giảm bớt để tiết kiệm. Hoặc tùy năm, vua sẽ ban chiếu để người dân được nghỉ Tết lâu hơn…

Từ đây, có thể thấy, việc đón Tết ở cung đình xưa được cử hành vô cùng trang trọng với nhiều nghi lễ thiêng liêng. Tết hoàng cung tưởng chừng khác xa với Tết cổ truyền dân gian, song tìm hiểu từng nghi tiết, vẫn thấy thấp thoáng sự gần gũi với phong tục đón Tết của muôn dân. Ðiều này biểu thị rõ nhất ở một số nghi lễ tương đồng như lễ dựng nêu, lễ thỉnh tổ tiên về ăn Tết…, hay tâm thức đề cao chữ hiếu, tinh thần trọng nông… Cục trưởng Văn thư và Lưu trữ nhà nước Ðặng Thanh Tùng cho biết, triển lãm “Cung đình đón Tết” nằm trong chuỗi các hoạt động phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, đưa các giá trị này đến gần hơn với nhân dân. Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, nhiều người trẻ hiện nay vẫn luôn mong mỏi đón Tết nhưng chưa biết vì sao phải đón Tết và phải đón Tết như thế nào. Thông qua những triển lãm tài liệu lưu trữ như này, họ sẽ hiểu hơn về dấu ấn, dư vị Tết từ quá khứ để trân trọng hơn những giá trị truyền thống còn lưu giữ đến hôm nay… Và chỉ khi hiểu về văn hóa đất nước, những người trẻ mới thật sự là những sứ giả để quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Theo Nhandan