Thứ sáu,  20/09/2024

Quốc tổ Hùng Vương trong tâm thức người Xứ Lạng

– Cùng với đồng bào cả nước, trong tâm thức của mỗi người dân Lạng Sơn, từ bao đời nay, Hùng Vương được coi là vị vua Thủy tổ dựng nước, là Quốc tổ của dân tộc và ngày 10/3 – ngày giỗ Tổ Hùng Vương được coi là Quốc giỗ. Đây là nét đẹp văn hóa thể hiện tâm thức nguồn cội, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Từ khi sinh ra và lớn lên, mỗi người dân Xứ Lạng đều được nghe qua lời ru của bà, của mẹ câu ca quen thuộc nhắc nhớ về ngày giỗ Tổ Hùng Vương: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Bắt nguồn từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại trong tâm thức mỗi người Việt Nam nói chung và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nói riêng giống như thờ tổ tiên chung của đất nước. Nhiều đời qua, tín ngưỡng này đã trở thành bệ đỡ tâm linh cho con người Việt Nam vượt qua các thách thức trong dặm dài lịch sử mấy nghìn năm.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh nghiên cứu các hiện vật thời tiền sơ sử tại Nhà trưng bày

Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Lạng Sơn cho biết: Mặc dù hiện nay, tại Lạng Sơn chưa phát hiện địa điểm cụ thể nào về thờ cúng Hùng Vương nhưng rõ ràng người dân Xứ Lạng vẫn tôn kính, tôn thờ Hùng Vương – Quốc tổ của dân tộc. Cụ thể, hằng năm, có rất đông người dân các dân tộc Lạng Sơn hành hương về đất tổ, thể hiện lòng thành kính đối với Quốc tổ. Thêm vào đó, tại thành phố Lạng Sơn có con đường mang tên Hùng Vương với tâm niệm hướng về đất tổ. Qua đó cho thấy vai trò, vị trí của Hùng Vương trong tâm thức người Xứ Lạng là rất lớn.

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy việc ghi nhận công lao của các vị Hùng Vương có nhiều thăng trầm. Năm 1372, Hàn lâm viện học sĩ Hồ Tông Thốc là người đầu tiên đưa các Vua Hùng với tư cách là một nhân vật lịch sử vào chính sử trong cuốn “Việt Nam thế chí”. Năm 1470, Vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), đã cho Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyễn Cố lập Ngọc phả Hùng Vương với tên gọi đầy đủ là “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” (Hùng đồ thập bát diệp Thánh Vương Ngọc phả cổ truyền). Với sự ra đời của bản Ngọc phả này, Hùng Vương được chính thức công nhận trong chính sử Việt Nam. Trong “Đại Việt Sử ký toàn thư” bản in nội các quan bản mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã đưa Hùng Vương vào chính sử Việt Nam thuộc kỷ Hồng Bàng, từ đó, Vua Hùng được gọi là Thánh Tổ và được chính quyền trung ương công nhận. Tháng 12/2012, tại Paris (Pháp), UNESCO chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngày Quốc giỗ là sự phát triển đỉnh cao từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt và ý thức nguồn cội được thể hiện rõ nét. Thông qua đó, người Việt gửi lòng mình vào sự tri ân công đức tổ tiên, các bậc tiền nhân theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Hùng Vương là vị Thuỷ tổ của người Việt. Ngày Quốc giỗ, đồng bào cả nước không phân biệt huyết thống, dòng họ, không phân chia địa lý, vùng miền, quốc gia, dân tộc đều đồng lòng hướng về núi Nghĩa Lĩnh nơi có đền Hùng cổ kính, linh thiêng. Ngoài ra, giá trị của ngày Quốc giỗ còn nằm ở tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc, nó giống như sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, là thiên anh hùng ca lịch sử về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Theo đó, hằng năm, đến dịp Quốc giỗ, người dân Lạng Sơn cùng với đồng bào mọi miền đất nước lại trở về Đền Hùng (Phú Thọ), ôn lại những câu chuyện về Vua Hùng dựng nước.

Anh Nguyễn Văn Thanh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Đã thành thông lệ, năm nào cứ vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương, tôi và cả gia đình đều trở về Đền Hùng thắp hương, chiêm bái, mỗi lần đi đều mang cảm xúc rất thiêng liêng. Đây là nơi thờ các Vua Hùng đã có công gây dựng đất nước, mỗi người chúng ta cần phải ghi nhớ, không được quên cội nguồn của mình.

Không chỉ mỗi người dân đều thấy thiêng liêng, tự hào mà lịch sử về Hùng Vương và các huyền sử về thời đại nhà nước Văn Lang còn được các trường học trên địa bàn tỉnh giáo dục cho các thế hệ học sinh thông qua những bài học trên lớp. Cô Từ Thúy Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, bên cạnh các nội dung khác của công tác giáo dục, nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên môn ngữ văn, môn lịch sử đẩy mạnh giáo dục truyền thống lịch sử thông qua các bài giảng về thời đại Hùng Vương như: Nhà nước Văn Lang. Sự tích bánh chưng, bánh dày; Sơn Tinh – Thủy Tinh; Thánh Gióng… Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức tuyên truyền trong các buổi phát thanh măng non đầu buổi học.

Có thể thấy, trải qua năm tháng, cùng với các giá trị văn hóa khác, Quốc tổ Hùng Vương và những công lao đóng góp của các vị đã thực sự in sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Xứ Lạng nói riêng, cả nước nói chung. Đó là một biểu tượng sáng ngời về ý thức nguồn cội. Thông qua giỗ tổ Hùng Vương tinh thần đoàn kết của Nhân dân càng được tô thắm, phát huy mạnh mẽ và mỗi người càng thêm trân quý những thành quả mà cha ông đã dựng xây, nỗ lực hơn nữa để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển.

HOÀNG HIẾU