Thứ sáu,  20/09/2024

Hành động quyết liệt của ngành VHTT&DL trước tác động của dịch COVID-19

Ngày 22/9, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL)Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì Diễn đàn “Tác động của đại dịch COVID-19 – Hành động quyết liệt của ngành VHTT&DL”.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Diễn đàn. Ảnh: Báo Tổ quốc.

 

Tại diễn đàn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã chia sẻ những giải pháp về đổi mới các hình thức truyền thông, xúc tiến quảng bá để ngành du lịch thích nghi với tình hình dịch bệnh. Trong gần 2 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn song hoạt động truyền thông, giới thiệu du lịch Việt Nam hướng tới thị trường quốc tế vẫn được duy trì, chuyển sang hình thức trực tuyến như: Các chiến dịch quảng bá thông qua trang web vietnam.travel và các trang mạng xã hội để kết nối, nhắc nhở Việt Nam vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn, làm nổi bật thương hiệu “Vietnam – Timeless Charm”. Bên cạnh đó, khi du lịch quốc tế bị đóng băng, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa…

Đối với ngành nghệ thuật biểu diễn, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ, gần 2 năm qua, tuy dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức, nhiều tác phẩm không thể ra mắt theo cách thức truyền thống nhưng đã có nhiều giải pháp được triển khai, tháo gỡ. Trong đó đã có những chương trình nghệ thuật sáng tạo, thích ứng với tình hình dịch bệnh như “Những ngôi sao bất tử”, “Những mùa thu lịch sử, Giai điệu Việt”…và chuỗi chương trình nghệ thuật online “Kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch” trên các kênh sóng truyền hình, nền tảng công nghệ số, mạng xã hội.

Trong lĩnh vực di sản văn hóa, theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, hai năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh đã hạn chế sự tiếp cận của bảo tàng, di tích đối với khách tham quan, số lượng khách tham quan giảm sút nghiêm trọng. Vì vậy ngành cũng có những giải pháp sáng tạo, ứng dụng công nghệ phát huy giá trị di sản văn hóa được thực hiện tại các bảo tàng, di tích…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thời gian qua toàn ngành đã nhận sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng thuận cao từ các ngành, các cấp… từ đó đã giúp cho cán bộ ngành VHTT&DL nhận thức sâu hơn để toàn ngành có cách tiếp cận mới, nỗ lực hơn.

Tuy nhiên, năm 2021, tình hình dịch bệnh đã tác động sâu sắc, nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của đất nước. Có những thời điểm ngành VHTT&DL phải đối mặt với “4 không” đó là: “Không tổ chức chương trình nghệ thuật – Không có các sự kiện thể thao lớn – Không có thị trường du lịch và du lịch quốc tế – Không có các hoạt động nghệ thuật ở cấp quy mô”.

Cùng với đó là việc chuyển đổi số nhưng còn khó khăn về mặt con người, công nghệ, nguồn lực; hoạt động chuyển hướng ở góc độ nào đó vẫn còn mang dáng dấp của phong trào, thiếu tính chuyên sâu, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, trong khó khăn đó, toàn ngành đã cùng nhau nhìn lại, tiếp cận theo hướng tích cực hơn.

Để khắc phục những khó khăn và thích ứng phù hợp với tình hình dịch bệnh, ngành VHTT&DL cần phải xác định chuyển hướng, trong đó tập trung một số vấn đề như: Tập trung tham mưu xây dựng thể chế, trong đó phải chủ động rà soát các luật, Nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực của bộ, ngành…để đề xuất báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng sớm hoàn thiện dự thảo để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành chương trình phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới, chiến lược thể thao Việt Nam trong 10 năm tới, triển khai chiến lược văn hóa Việt Nam.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng yêu cầu cần bám sát chức năng nhiệm vụ để sớm phục hồi ngành trước tác động của dịch bệnh. Trước mắt, Tổng cục Du lịch phải sớm trình các cấp thẩm quyền thông qua Quy hoạch du lịch Việt Nam; rà soát, thẩm định nâng cấp làm mới các sản phẩm du lịch với chỉ tiêu một tỉnh có một sản phẩm du lịch độc đáo. Đồng thời, vận hành, làm sôi động trang web về ngành để khi các địa phương số hóa điểm đến đưa lên không gian mạng, Tổng cục chỉ làm nhiệm vụ điều hành hệ thống.

Về lĩnh vực văn hóa, cần phải chọn việc, chọn điểm dựa trên tư tưởng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa. Trong đó, chú trọng việc duy trì, cải tiến và thích ứng nhanh với chuyển đổi số của bảo tàng. Ngoài ra, cần tập trung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, lấy địa bàn dân cư làm nơi tác nghiệp của toàn ngành, phối hợp với đoàn thể chính trị, người dân để xây dựng văn hóa gia đình, làng xã.

Theo Baochinhphu